Đồng bằng sông Cửu Long đã thay đổi tư duy từ chống đỡ sang chủ động thích ứng

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 là dự án của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Vùng hưởng lợi của dự án hơn 384.000 ha thuộc địa bàn các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biển tại lễ khánh thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biển tại lễ khánh thành.

Chiều 5/3, tại huyện Châu Thành (Kiên Giang), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1. Dự án này khởi công tháng 10/2019 với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, xây dựng tại huyện An Biên và Châu Thành (tỉnh Kiên Giang).

Nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 được xác định là kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn-lợ, ngọt-lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã phấn đấu vươn lên để phục vụ tốt cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã thay đổi tư duy, từ tư duy sản xuất nông nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp; từ tư duy chống đỡ sang tư duy chủ động thích ứng-thuận thiên.

Cống Cái Lớn-một trong những thành phần quan trọng của dự án.

Cống Cái Lớn-một trong những thành phần quan trọng của dự án.

Thủ tướng cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng, có truyền thống lịch sử văn hóa đặc thù, một vùng đất anh hùng trong các cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất đất nước, chiếm 12% diện tích tự nhiên của cả nước và gần 20 triệu người dân.

Thời gian qua, được sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân nên đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và đã đạt được những thành quả nhất định, vùng đất này đóng góp lớn về sản lượng lúa, sản lượng nuôi trồng thủy sản, sản lượng các loại trái cây và nhiều loại sản vật khác để xuất khẩu… Tuy nhiên, vùng đất này còn có nhiều thành thức lớn, trong đó chịu ảnh hưởng nặng của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lỡ, sụt lún… Tiềm năng phát triển lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, đầu tư còn có mức độ.

Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đầu tư, có quyết tâm lớn đối với việc phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, Trung ương tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch vùng cho đồng bằng sông Cửu Long và đã phê duyệt, đây cũng là quy hoạch vùng đầu tiên của cả nước. Theo đó, trên tinh thần chung là phải có tư duy đột phá để phát triển; thứ hai phải có tầm nhìn dài hạn; thứ ba phát triển nhanh nhưng phải bền vững; và thứ tư tạo sinh kế cho người dân trong vùng ổn định để có cuộc sống ấm no, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Dự án vẫn hoàn thành vượt tiến độ và tiết kiệm chi phí đầu tư. Để hệ thống thủy lợi phát huy tối đa hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, mở rộng vùng hưởng lợi của dự án, hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống. Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức quản lý các công trình thủy lợi liên tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm thống nhất, an toàn. Song song đó, các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân cũng sẽ được quan tâm thực hiện đồng bộ.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thực hiện dự án.

VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/dong-bang-song-cuu-long-da-thay-doi-tu-duy-tu-chong-do-sang-chu-dong-thich-ung--688118/