Đồng bằng sông Cửu Long: Vì sao cây trồng chủ lực nhanh 'hết thời'?
Cây ăn trái là thế mạnh thứ 3 sau thủy sản và lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 70% của cả nước.
Không chỉ đa dạng chủng loại, nhiều cây ăn trái chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Bưởi Năm Roi, quýt đường, cam sành, vú sữa... từng một thời “làm mưa, làm gió” ở các thị trường lớn. Tuy nhiên “vàng son” chưa được bao lâu, nhiều loại cây trồng nhanh chóng rơi vào cảnh “hết thời”.
Chạy theo phong trào
Những ngày này, miền Tây đang vào mùa rộ chín của vú sữa. Tuy nhiên, dạo một vòng quanh chợ Vĩnh Kim (Tiền Giang) vốn là đầu mối từng kẹt cứng xe tranh nhau bỏ mối vú sữa Lò Rèn, giờ chỉ còn lác đác vài nơi đang đóng hàng để chuyển đi. Nhưng phần lớn là vú sữa trái tím, to bản.
Không giấu được nỗi buồn, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2007, vú sữa Lò Rèn vươn ra khỏi thị trường nội địa khi xuất khẩu thành công sang Nga. Tháng 12-2017, mặt hàng này lại được xuất sang thị trường Mỹ, đánh dấu một thập niên phát triển mạnh mẽ thương hiệu của loại trái cây có vị “ngon như dòng sữa mẹ” này.
“Ngay khi thương hiệu vượt ra khỏi biên giới, vú sữa Lò Rèn nhanh chóng phát triển diện tích lên hơn 3.200ha. Song chẳng được bao lâu thì người dân ồ ạt đốn bỏ bởi nhiều năm liên tiếp cung vượt cầu, khiến nhiều nhà vườn thua lỗ nặng. Hiện nay tổng diện tích vú sữa Lò Rèn chỉ còn khoảng 350ha”, ông Men thông tin.
Không riêng vú sữa Lò Rèn, nhà vườn ĐBSCL đến nay vẫn chưa ai quên được bài học cay đắng từ cây nhãn. Những năm 2010, cây long nhãn tràn ngập miền Tây, diện tích có lúc lên đến hơn 100.000ha. Nhiều cù lao trên sông Tiền như Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang), Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long), An Nhơn (Châu Thành, Đồng Tháp) nổi danh với tên gọi “cù lao long nhãn”.
Ông Phạm Hữu Hiện, nhà vườn 3 đời trồng nhãn ở cù lao An Nhơn nhớ lại, chỉ vài năm, khi cây long nhãn xuất hiện đều khắp các tỉnh ĐBSCL thì giá bán có lúc chưa tới 500 đồng/kg. Lúc đó nhãn tiêu da bò giá hơn 10.000 đồng/kg nên người ta lại ùn ùn chặt long nhãn, trồng nhãn tiêu da bò. Rồi cũng chỉ được vài năm, nhãn tiêu da bò lại rớt giá, thêm bệnh chổi rồng hoành hành, bây giờ nhà vườn đang ào ào phá vườn nhãn tiêu da bò trồng nhãn Ido.
“Nhà vườn luôn nghe ngóng xem trái cây nào đang có giá là họ sẵn sàng lao theo với suy nghĩ “ai nhanh hơn thì thắng”. Thực tế chứng minh chỉ một số ít người nhanh tay là thắng, nhờ bán trái, bán cây giống, còn đa phần những người theo sau lại thua trắng. Phải chặt bỏ, tôi cũng tiếc lắm nhưng càng làm càng lỗ thì đành chịu”, ông Hiện bộc bạch.
Sản xuất theo phong trào dẫn đến điệp khúc “trồng, chặt” của nhà vườn ĐBSCL không phải mới, nhưng nó tồn tại dai dẳng đến mức người ta ví như “căn bệnh nan y”. Cách đây khoảng 5 năm, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo, tuy nhiên tình trạng này không hề giảm.
Qua khảo sát một số nơi ở ĐBSCL cho thấy, lợi nhuận từ trồng bưởi da xanh đạt khoảng 600 triệu đồng/ha/năm trở lên; cam sành lãi 370 triệu đồng/ha/năm, quýt lãi 500-700 triệu đồng/ha/năm... cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Vì vậy, nhiều nơi phát triển khá “nóng” diện tích cây có múi kéo theo những lo ngại. Điển hình như diện tích cây cam, chỉ tính riêng Vĩnh Long, theo quy hoạch đến năm 2025, tỉnh có 15.000ha cam sành nhưng con số hiện tại đã là 17.000ha trong khi trái cam phần lớn phục vụ tiêu thụ nội địa. Phát triển “nóng” khiến nông dân rơi vào cảnh “chờ giải cứu” khi sau Tết Nguyên đán 2023 đúng mùa thu hoạch rộ, giá cam tại vườn chưa đến 2.000 đồng.
Chất lượng giống bị thả nổi
Lần theo hành trình đi tìm những cây ăn trái nổi tiếng một thời của vùng ĐBSCL, chúng tôi đến tỉnh Hậu Giang-nơi nổi tiếng với trái quýt đường Long Trị và bưởi Năm Roi. Đây là hai nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang “ghi điểm” trên thị trường nhờ có mẫu mã đẹp, hương thơm, vị ngọt thanh ít nơi nào sánh bằng. Dù vậy, bưởi Năm Roi và quýt đường Long Trị vẫn không thoát khỏi cảnh mai một.
Là người gắn bó nhiều năm với cây bưởi Năm Roi và quýt đường Long Trị, ông Nguyễn Văn Thể, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, vào thời điểm vàng son nhất, nhiều nông dân đã tăng diện tích cây trồng mà quên mất chất lượng.
Thay vì trồng cây chiết, để nhanh thu hoạch người dân lại trồng cây ghép, thậm chí nhiều hộ tự ghép để giảm chi phí. Không bảo đảm kỹ thuật khiến cây sinh trưởng kém, dễ sâu bệnh, chất lượng trái cũng giảm xuống, quýt thường chua hoặc không có vị ngọt đặc trưng. “Còn nhớ năm 2014, có gần 100ha quýt đường ở thị xã Long Mỹ bị nhiễm bệnh vàng lá, rụng cuống, với tỷ lệ 5-20%. Đáng lo hơn là có khoảng 3ha bị ảnh hưởng trên 50% khiến bà con phải đốn bỏ để trồng lại”, ông Thể nói.
Tương tự, hấp lực của giá khiến nhiều nông dân ở Vĩnh Long chọn cách trồng “cam rau”. Hình thức này là trồng dày, đắp mô thúng, sử dụng cây giống trôi nổi giá rẻ để giảm mức đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn thúc cây cho trái sớm dẫn đến tình trạng lạm dụng phân, thuốc, khiến đất nghèo dinh dưỡng, thời gian khai thác chỉ 2-3 năm.
Một thực trạng đáng lo hơn là dù ngành chức năng từng có văn bản nghiêm cấm nhưng để gỡ gạc lại vốn liếng sau mấy năm ròng rã đầu tư, hàng trăm nhà vườn trồng cam còn đua nhau làm “bác sĩ”. Cụ thể, để kéo dài thời gian sinh trưởng, nhiều hộ áp dụng cách tiêm kháng sinh cho cây. Mỗi cây sẽ được khoan một lỗ sâu khoảng 2cm, cách mặt đất khoảng 10cm rồi bơm dung dịch là 1 viên Tetracyclin pha với nước biển (nước truyền cho người). Theo nhà vườn, cách làm này giúp giảm bệnh vàng lá cho cam và kéo dài thời gian sinh trưởng của cây thêm khoảng hai năm.
Trên thực tế, thời gian qua, cùng với giống cây trồng bảo đảm chất lượng vẫn tồn tại không ít những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, nhất là giống từ nông hộ nhỏ lẻ; tình trạng vi phạm bản quyền, hành vi sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trái quy định của pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp...
Theo số liệu điều tra sơ bộ của Cục Trồng trọt, toàn vùng ĐBSCL có hơn 1.600 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng, gồm: Doanh nghiệp, cơ sở hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, các viện, trường, trung tâm giống.
Trong đó có khoảng 900 cơ sở có đăng ký quản lý, số cơ sở còn lại đang hoạt động trôi nổi, không quản lý được chất lượng. Việc có quá nhiều cơ sở kinh doanh đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý chất lượng, nguồn gốc cây giống. Điều này đồng nghĩa tương lai cây trái của ĐBSCL sẽ không thể cạnh tranh được trên thương trường và không thể chấm dứt được điệp khúc “trồng, chặt”.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, nhiều nông dân khấm khá nhờ chuyển đổi từ diện tích vườn canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có múi. Thế nhưng, tình trạng tăng trưởng “nóng” theo cấp số nhân đã “đẩy” các loại đặc sản rơi vào hiện tượng cung vượt cầu, giá thành giảm và tự đánh mất chỗ đứng trên thị trường, mất đi thế mạnh của vùng...
Với thực trạng trồng cây ăn trái theo kiểu tự phát, không theo quy hoạch trong thời gian qua, hơn bao giờ hết, các cấp, các ngành chức năng cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, định hướng dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, miền, địa phương, gắn với nhu cầu thị trường và hỗ trợ, tạo gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng.
Lúc này, người nông dân hãy là nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế; biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất mà vẫn bảo đảm chất lượng. Đồng thời, nông dân cần sản xuất theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, phải kiên định với loại cây ăn trái, cây trồng mà mình đã định hướng, đừng chạy theo trào lưu để không phải rơi vào thảm cảnh trồng-rớt giá-chặt phá... Có như vậy mới tránh được nguy cơ “vỡ trận” như đã diễn ra với các mặt hàng nông sản khác trong thời gian qua.