Dòng bank hưởng lợi từ hai quyết sách lớn
Đà tăng giá ấn tượng của nhiều cổ phiếu ngân hàng - ngoài câu chuyện riêng của mỗi cổ phiếu thì nhóm này đang đứng trước các bước ngoặt quan trọng khi Chính phủ yêu cầu tháo bỏ những rào cản hành chính trong điều hành tín dụng, nhường chỗ cho sự vận hành theo đúng quy luật của thị trường và Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu được 'luật hóa'.

Ngân hàng là nhóm nổi bật trong sóng tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán từ đầu tháng 7 tới nay
Nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng giá ấn tượng so với đầu năm như NVB (tăng 73%), VAB (63%), KLB và SHB (tăng hơn 57%)… Hay TCB tăng 43,2%, song có tới 17 lần phá kỷ lục về giá từ đầu năm tới nay. Còn STB và MBB đang cùng có số lần vượt đỉnh thị giá nhiều nhất, với 23 lần, cho thấy quán tính đi lên chưa dừng lại.
Ghi nhận ý kiến đánh giá của các chuyên viên phân tích, có thể nhận thấy, có một số luận điểm nổi bật cho nhóm này trong nửa đầu năm tới nay, là dự phóng tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số và hưởng lợi từ các quyết sách lớn của Chính phủ trong việc quyết tâm đạt tăng trưởng GDP từ 8%, phát triển kinh tế tư nhân. Hiện vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 và nhóm này vẫn nổi bật với mức tăng trưởng lợi nhuận trong hầu hết các báo cáo của công ty chứng khoán.
Hào hứng với chỉ đạo bãi bỏ cơ chế “room tín dụng”…
Trong một chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo đề xuất loại bỏ cơ chế hạn mức tín dụng (room tín dụng) từ năm 2026.
Room tín dụng từng là công cụ hiệu quả trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nóng, có năm đạt tới 54%, vượt quá khả năng kiểm soát của hệ thống ngân hàng. Từ năm 2012, việc áp dụng room tín dụng đã giúp kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, không có giải pháp nào vĩnh viễn và Ngân hàng Nhà nước nhận thấy đây là giải pháp hành chính cần thay đổi. Vừa qua, cơ quan này đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng... Việc áp dụng room tín dụng hiện chỉ còn thực hiện với các ngân hàng thương mại.
Thông tin trên nhận được sự quan tâm, hào hứng nhất định với những nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu ngân hàng.
Dẫu còn nhiều ý kiến thảo luận trong việc tháo room tín dụng, nhưng cơ bản đều cho rằng, nếu quản lý tốt (để đảm bảo không tăng trưởng tín dụng nóng, cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng nợ xấu…), việc gỡ room tín dụng sẽ giúp hoạt động cho vay trở nên linh hoạt hơn, cung cầu vốn được điều tiết tự nhiên; vốn lưu thông nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất trong nền kinh tế.
Nhiều ý kiến đồng thuận, khi tín dụng được mở rộng, các ngân hàng sẽ phải nâng cao năng lực thẩm định, quản trị rủi ro để kiểm soát nợ xấu. Bỏ room tín dụng phải dựa trên những công cụ kiểm soát mới như quy định quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế (Basel III), yêu cầu tăng vốn tự có tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng - nhằm đảm bảo an toàn hệ thống trong điều kiện không còn công cụ room tín dụng.
Theo SSI Research, việc bỏ room tín dụng là bước tiến tích cực, xét về dài hạn. Việc thay đổi này cần phải đi cùng với việc thay đổi quy định về các tỷ lệ an toàn, đặc biệt trên các khía cạnh như tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo ổn định hệ thống và tránh nguy cơ tăng trưởng nóng như đã xảy ra trong chu kỳ tín dụng trước.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành dự thảo thông tư về tỷ lệ an toàn vốn (CAR), cập nhật các quy định mới tại chuẩn mực Basel III (2017) và đang lấy ý kiến từ các ngân hàng.
SSI Research cho rằng, bức tranh thị phần cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ có sự thay đổi nếu gỡ bỏ cơ chế hạn mức tín dụng theo hướng có lợi cho các ngân hàng có bộ đệm vốn mạnh, do những ngân hàng này sẽ có khả năng mở rộng cho vay tốt hơn.
… và “gỡ nghẽn” trong xử lý nợ xấu
Ngày 27/6/2025, Quốc hội đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, với một trong số các nội dung trọng tâm là khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu - từng được đưa vào Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, hết hiệu lực từ thời điểm 1/1/2024. Việc “luật hóa” Nghị quyết 42/2017 kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn kinh doanh, từ đó tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Trung tâm Phân tích SHS (SHS Research) đánh giá, Nghị quyết 42 đã góp phần tăng hiệu quả xử lý nợ, giảm rủi ro pháp lý. Việc tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản đảm bảo giúp các ngân hàng tránh được quy trình khởi kiện - thi hành án kéo dài nhiều năm, từ đó rút ngắn thời gian thu hồi vốn, khơi thông dòng vốn kinh doanh. Tài sản được xử lý nhanh được kỳ vọng là nhóm bất động sản (chiếm đến 80 - 90% giá trị tài sản thế chấp) và cho vay tiêu dùng (ô tô), qua đó giúp tăng chất lượng tài sản và thu nhập từ xử lý nợ xấu. Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ lợi nhuận khác từ xử lý nợ xấu của 29 ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ chiếm tỷ lệ 16% quy mô nợ xấu trong năm 2024, thấp hơn giai đoạn 2017 - 2022 khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Theo SHS Research, các ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết sách này là các tổ chức có quy mô nợ xấu cao (như BID, VPB, CTG, VCB, MBB) và các ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ lớn (như VIB, ACB, STB).
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định, Nghị quyết 42 là một chính sách cần thiết cho ngành ngân hàng, giúp ngân hàng thu giữ được tài sản đảm bảo và chủ động xử lý. Tình trạng nợ xấu của ngành ngân hàng hiện nay không quá nặng nề và đang dần tốt lên theo sự hồi phục của nền kinh tế nói chung. Do đó, Nghị quyết 42 được luật hóa sẽ hoàn thiện khung pháp lý, là một yếu tố bổ trợ cho hoạt động của ngành, giúp ngành ngân hàng hoạt động ổn định hơn khi những yếu tố cơ bản của ngành hiện nay đã bền vững.
Trước đây, việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các thủ tục tố tụng kéo dài, có thể mất đến nhiều năm để hoàn tất. Trong thời gian này, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, ngừng ghi nhận lãi dự thu và chịu chi phí vốn liên tục, gây áp lực lớn lên bảng cân đối kế toán. SSI Research đánh giá, thách thức này lớn hơn đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay phân khúc bán lẻ cao, nơi các khoản nợ xấu thường có giá trị nhỏ và phân tán về mặt địa lý. Điều này làm tăng chi phí vận hành và hạn chế khả năng mở rộng tín dụng hoặc khả năng giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, SSI Research cho rằng, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay phân khúc bán lẻ cao (như VIB, TPB, OCB, MSB) - vốn xử lý số lượng lớn các khoản vay nhỏ lẻ - sẽ là những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ những thay đổi pháp lý mới.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-bank-huong-loi-tu-hai-quyet-sach-lon-post372979.html