Đồng bào Công giáo Nam Định đồng lòng kiến thiết quê hương

Những năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt tinh thần 'kính Chúa, yêu nước', góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Qua đó, góp phần đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Một đoạn đường tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Một đoạn đường tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Sức mạnh từ sự đồng thuận

Xóm 6, xã Giao Lạc (huyện Giao Thủy) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xóm là xóm 4, 5 và xóm 18 vào năm 2022, có 440 hộ với trên 1.600 nhân khẩu; trong đó, đồng bào Công giáo chiếm 62,7%. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, từ năm 2022 đến nay, xóm đã vận động người dân, các doanh nghiệp và con em địa phương đang lao động, công tác trên mọi miền Tổ quốc đóng góp, ủng hộ được trên 2,3 tỷ đồng để nâng cấp, tu sửa nhà văn hóa xóm; mở rộng, làm mới đường, ngõ xóm, đường hoa cây cảnh khang trang sạch đẹp.

Các ban, ngành, đoàn thể trong xóm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào do Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát động như: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Ngày vì người nghèo; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện khẩu hiệu “Nhà đẹp, vườn xanh, đường bê tông, dòng sông không rác”... Đến nay, trên 90% gia đình có vườn thực hiện quy trình xử lý rác thải hữu cơ thông qua hố xử lý tại nhà, giảm một phần đáng kể rác cho lò xử lý rác thải tập trung của xã. Các phong trào như: Câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ văn nghệ, tham gia câu lạc bộ thơ, bóng đá thanh, thiếu niên… được duy trì, hoạt động thường xuyên, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Bộ mặt khu dân cư trong xóm ngày càng khởi sắc. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, được thảm bê tông nhựa. Hai bên đường cây xanh, đồng ruộng xanh mướt như một bức tranh hữu tình về làng quê yên bình, đáng sống. Những ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Các công trình văn hóa, phúc lợi của xóm được cải tạo, tu sửa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Người dân trong xóm sống đoàn kết, chan hòa lương giáo một lòng cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu, xóm không còn hộ nghèo đa chiều, thu nhập bình quân đạt 87,3 triệu đồng/người/năm.

Ông Vũ Mạnh Quyến, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm 6 cho biết, năm 2023, địa phương là một trong những xóm được UBND huyện Giao Thủy công nhận xóm nông thôn mới kiểu mẫu và được UBND xã chọn làm điểm xây dựng xóm nông thôn mới thông minh. Để xây dựng các tiêu chí xóm thông minh, địa phương đã vận động trên 65% người dân tham gia tập huấn về công nghệ thông tin, thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với 11 thành viên. Xóm cũng vận động các cơ sở kinh doanh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối, giao thương hàng hóa qua các trang thương mại điện tử.

Tháng 9/2024, xã Xuân Phúc (huyện Xuân Trường) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Xuân Hòa, Xuân Tiến, Xuân Kiên với quy mô dân số gần 34.500 người, số đông là đồng bào Công giáo. Để tạo sự đồng thuận trong việc sáp nhập đơn vị hành chính, toàn bộ hệ thống chính trị của xã đã vận động người dân thực hiện chủ trương này.

Ông Mai Văn Hoán (xóm 11, xã Xuân Phúc) chia sẻ, khi chưa sáp nhập, gia đình ông thuộc xóm 8, xã Xuân Tiến. Trước nhiệm vụ sáp nhập đơn vị hành chính, Ban công tác Mặt trận thôn, xóm và các tổ chức tôn giáo đã tuyên truyền, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, gia đình ông cùng toàn thể người dân hiểu việc sáp nhập là để tạo đà thúc đẩy, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương. Bởi vậy, mọi người đều đồng thuận với chủ trương này của chính quyền.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, sau khi sáp nhập, xã Xuân Phúc được UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực giáo dục. Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã xây dựng nghị quyết xây dựng Xuân Phúc là xã nông thôn mới thông minh. Ông Phạm Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc khẳng định, để hoàn thành mục tiêu này, việc vào cuộc của đông đảo nhân dân, nhất là sự ủng hộ của các chức sắc, chức việc, đồng bào theo đạo có ý nghĩa lớn. Do đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra; phấn đấu để Xuân Phúc sớm trở thành xã nông thôn mới thông minh...

Một đoạn đường tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Một đoạn đường tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”

Phát huy tinh thần "kính Chúa yêu nước", xác định lấy khu dân cư làm trung tâm để tổ chức các hoạt động, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định đã khởi xướng phong trào "Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng", được mọi người hưởng ứng, tích cực tham gia từ việc dồn điền đổi thửa đến huy động nguồn lực là tiền vốn và công lao động.

Từ năm 2017 đến nay, đồng bào Công giáo Nam Định đã tự nguyện hiến hơn 180 ha đất nông nghiệp, đất thổ cư và dịch chuyển tường, cổng để mở rộng đường giao thông trong thôn, xóm. Đồng bào Công giáo trong tỉnh đã góp nhiều tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường giao thông, đường điện chiếu sáng thôn, xóm, xây nhà văn hóa, trường học, trạm y tế…

Thực hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc và thực thi lời Chúa dạy "Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em", đồng bào Công giáo Nam Định đã ủng hộ trên 58 tỷ đồng, hàng trăm tấn gạo, hàng nghìn bộ quần áo, chăn màn, xe lăn… cho các phong trào, cuộc vận động của Trung ương và địa phương. Các chức sắc, chức việc và người có đạo ở các địa phương cũng có nhiều cách làm mới giúp đỡ những gia đình chính sách, người có công, gia đình liệt sỹ, người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật... Điển hình như: Hội dòng Đaminh Bùi Chu và Tu viện nữ tu Đaminh Phú Nhai tổ chức gặp mặt người nghèo, tổ chức bữa cơm tất niên và tặng mỗi người 10 kg gạo vào dịp cuối năm không phân biệt tôn giáo. Ban Đoàn kết Công giáo huyện Trực Ninh phát động “Tết vì người nghèo”. Người Công giáo huyện Vụ Bản phát động phong trào thắp sáng tình thương với phương thức “hũ gạo tiết kiệm” ở các gia đình, hàng tháng thu gom để phát cho người nghèo…

Sự vào cuộc của các chức sắc, chức việc, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào thành công chung của Nam Định trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 142/146 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 41/146 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 8/15 thị trấn được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Xuân Trường và Trực Ninh được thẩm tra, đang hoàn thiện hồ sơ dự kiến trong quý I/2025 trình Trung ương xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Bài, ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/dong-bao-cong-giao-nam-dinh-dong-long-kien-thiet-que-huong-20241221150952402.htm