Đồng bào Mông tại Bắc Hà trồng cây dược liệu nở hoa tím biếc, thu tiền tỉ mỗi năm
Việc phát triển cây dược liệu cát cánh tại vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhất là ở xã Tả Van Chư đã và đang đem lại lợi ích kép cho người dân, vừa khai thác dược liệu, vừa phát triển du lịch nông nghiệp, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao đời sống cho các hộ dân người Mông ở địa phương.
Những ngày cuối cùng của tháng 5, khi nắng vàng trải dài trong veo cả một vùng trời, đồng bào Mông xã vùng cao Tả Van Chư (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) tập trung thu hoạch củ cây dược liệu cát cánh, không khí lao động sản xuất diễn ra sôi nổi, tấp nập trên khắp các cánh đồng, đặc biệt tại thôn Lả Dì Thàng - vùng dược liệu lớn nhất của xã.
Tả Van Chư có cây tiền tỉ
Chúng tôi đến xã Tả Van Chư vào một buổi chiều hè, lẫn trong cái nắng chan hòa của vùng miền núi Bắc Hà là mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những cánh đồng dược liệu. Vùng đất Bắc Hà - Lào Cai hôm nay không chỉ có cây lúa, cây ngô mà còn có những cánh đồng dược liệu quý hiếm, trong đó có cây cát cánh.
Biết có khách đến, anh Sùng Seo Sếnh, Giám đốc HTX cộng đồng Tả Van Chư trên vai vẫn đeo gùi, thoăn thoắt từ trên đồi trồng cây dược liệu cát cánh chạy về trụ sở HTX.
Vội lau đi những giọt mồ hôi, anh Sếnh chia sẻ, làm nông nghiệp vất vả lắm, nhưng biết làm sao khi từ bé mình đã gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương, được ông cha truyền nghề và say mê từ lúc nào không hay.
Vừa pha một ấm trà mời khách, anh Sếnh vừa kể, vùng cao Bắc Hà có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp với cây dược liệu quý, nhất là xã Tả Van Chư được mệnh danh là thủ phủ cây dược liệu cát cánh. Loại cây dược liệu này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo sự thay đổi tích cực về nhận thức trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của đồng bào người Mông nơi đây.
Giám đốc HTX cho biết, hiện nay HTX đang trồng các loại cây dược liệu như: cát cánh, đương quy và cây ăn quả. Trong đó chủ lực vẫn là cát cánh, với diện tích trồng 6ha. “Mặc dù quy mô trồng cát cánh chưa phải lớn nhưng mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên. Bởi sản phẩm sau khi thu hoạch tươi bán ra là 19.000 đồng/kg, cao hơn so với bán ngô hoặc lúa”, anh Sếnh cho hay.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, cây trồng này đã đem lại nguồn thu hơn 9 tỷ đồng cho nông dân trong xã. Đây cũng là lý do khiến nhiều hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dược liệu, còn những hộ đang trồng dược liệu muốn mở rộng diện tích canh tác.
Người Mông đã thoát nghèo và có của để dành
Trên cánh đồng cát cánh, chị Vàng Thị Gánh, người dân tộc Mông vừa trò chuyện vừa thoăn thoắt đưa tay cào cỏ quanh từng gốc cây. Chị cho biết, gia đình có 1ha đất, trước đây chủ yếu trồng ngô và lúa, nhưng giá trị kinh tế rất thấp, cuộc sống bấp bênh, đói nghèo. Thế nhưng từ khi chuyển đổi sang trồng cây dược liệu cát cánh, vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy giá trị cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô.
“Khi mới trồng cây cát cánh, gia đình tôi cũng rất lo lắng không biết có trồng được không. Nhưng được cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật và qua thời gian chăm sóc, tôi thấy cây này cũng dễ trồng, dễ chăm sóc. Đặc biệt, giá trị cây trồng này cao hơn rất nhiều so với cây ngô”, chị Gánh chia sẻ.
Đồng thời chị tâm sự: “Tham gia vào HTX, việc đầu tiên của các thành viên là được xã và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, biết cách chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời được HTX cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm cho người dân yên tâm sản xuất”.
Cây dược liệu cát cánh không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Hà, mà còn “hút” khách du lịch đến với dẻo cao này. Từ tháng 6 – 9 dương lịch là mùa hoa cát cánh nở rộ, nhuộm sắc tím biếc trải dài nương rẫy rất đẹp, trong khoảng thời gian này nhiều đoàn khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cát cánh, chị Thào Thị Dừ, thành viên HTX cộng đồng Tả Van Chư phấn khởi nói: Năm 2022, vườn cát cánh đã mang về cho gia đình chị một nguồn thu đáng kể từ việc đón du khách tới tham quan, trải nghiệm khi đến mùa hoa nở rộ.
“Trồng cây cát cánh bên cạnh việc bán sản phẩm cho các nhà máy làm dược liệu thì đến vụ hoa nở nhiều khách trong và ngoài tỉnh cũng về để chụp ảnh, tham quan. Gia đình mình ngoài việc bán vé thì cũng làm thêm dịch vụ ăn uống, nghỉ qua đêm, nhờ đó, có thêm việc làm và thu nhập”, chị Dừ cho biết.
Gia đình chị Vàng Thị Gánh hay chị Thào Thị Dừ là hai trong số rất nhiều những hộ dân tại địa phương tham gia trồng cây dược liệu và đã thoát nghèo, thậm chí có của ăn của để. Hiện tại mô hình này đang được nhân rộng ở hầu khắp các xã ở huyện Bắc Hà.
Sẽ thành lập thêm các HTX, giúp kinh tế địa phương phát triển
Trao đổi với VnBusiness, ông Giàng Seo Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà cho biết, huyện có chủ trương vận động, hỗ trợ bà con trên địa bàn trồng cây dược liệu kết hợp với phát triển du lịch, tạo đà để thoát nghèo bền vững.
Đối với việc trồng cây dược liệu, các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ ni lông. Đồng thời, xã và trung tâm dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân yên tâm sản xuất. Để phát triển du lịch nông nghiệp, tỉnh Lào Cai và huyện Bắc Hà thường xuyên tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, nhờ đó, nhiều khách du lịch lên ngắm hoa thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Nhờ thay đổi mô hình làm nông nghiệp và kết hợp với làm du lịch, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 8-12%. “Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã phấn đấu thành lập thêm một số mô hình HTX về các mảng như du lịch, dược liệu, trồng cây ăn quả… đồng thời sẽ hỗ trợ bà con phương thức canh tác, trồng trọt và bao tiêu đầu ra ổn định”, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà cho biết, niên vụ Đông Xuân 2022- 2023, huyện Bắc Hà trồng 100 ha cây cát cánh, tăng gần 30 ha so với năm 2022, trong đó xã Tả Van Chư 63ha, Lùng Phình 9,5ha, Lùng Cải 6ha, Tả Củ Tỷ 10ha, Hoàng Thu Phố 3 6,5ha, Bản Phố 5ha.
“Niên vụ này, cây dược liệu cát cánh sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng thu hoạch cao. Để bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân và thị trường tiêu thụ ổn định, trong năm 2023, huyện Bắc Hà tiếp tục duy trì và ký kết thêm hợp đồng và biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp. Riêng xã Tả Van Chư năm nay dự kiến hoàn thành trồng 70ha cây dược liệu cát cánh, vượt 7ha so với kế hoạch”, Ông Giang cho biết.