Đồng bộ các giải pháp 'hồi sinh' sông Tô Lịch

Thời hạn 'hồi sinh' sông Tô Lịch đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chốt vào ngày 2-9-2025.

Do đó, ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, UBND thành phố đã làm việc với các sở, ngành, thống nhất lựa chọn, nghiên cứu thực hiện đồng bộ nhiều phương án nhằm cải thiện môi trường cho dòng sông. Từng phần việc được phân rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, với sự thận trọng, nghiêm túc và quyết tâm cao nhất nhằm đạt tiến độ đề ra.

Việc làm sạch dòng sông, cũng như cải tạo cảnh quan và chỉnh trang hai bên bờ sông Tô Lịch sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm cũng như tạo một vẻ đẹp mới cho Thủ đô Hà Nội.

Việc làm sạch dòng sông, cũng như cải tạo cảnh quan và chỉnh trang hai bên bờ sông Tô Lịch sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm cũng như tạo một vẻ đẹp mới cho Thủ đô Hà Nội.

Cải tạo cảnh quan hai bên sông bài bản

Trước hiện trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch hiện nay, phương án làm sạch dòng sông được ưu tiên hàng đầu. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, việc cải tạo cảnh quan và chỉnh trang đô thị liên quan đến sông Tô Lịch nói riêng, cũng như 3 dòng sông còn lại trong nội đô là Kim Ngưu, Lừ, Sét, đang được nghiên cứu gồm 5 nội dung. Cụ thể, cải tạo thống nhất không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ gắn với lòng sông nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, tạo dựng các trục cảnh quan của thành phố. Bờ kè dọc sông được phủ xanh và tạo dựng không gian nhiều tầng, bậc; kết hợp chỉnh trang và chiếu sáng các không gian trọng điểm nhằm tăng giá trị thẩm mỹ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa.

“Toàn bộ nội dung này thể hiện trong Đề án cải tạo môi trường của 4 con sông, với tổng mức đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng. Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 741/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ lưu ý đến nhiệm vụ chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan hai bên sông Tô Lịch, phát huy hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường, trên thực tế đã được Hà Nội nghiên cứu bài bản. Đề án đang ở giai đoạn hoàn thiện để sớm báo cáo UBND thành phố cũng như Thường trực, Thường vụ Thành ủy”, ông Võ Nguyên Phong nêu.

Về các nguồn xả vào sông Tô Lịch, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã rà soát các cửa xả sau khi thi công hệ thống đường ống và hố ga thu gom nước thải dọc hai bên sông về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá. Kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy, đoạn bờ trái từ đường Hoàng Quốc Việt đến đập Thanh Liệt và bờ phải đoạn từ đường Lê Văn Lương đến đập Thanh Liệt có 182 cửa xả đã được xây dựng hệ thống cống bao và các giếng tách, thu gom nước thải thuộc phạm vi gói thầu số 2 - Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, hiện còn 26 cửa xả nước vào sông Tô Lịch chưa xây dựng và đoạn bờ phải từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Lê Văn Lương có khoảng 55 cửa xả chưa được tách nước thải, không thuộc phạm vi gói thầu số 2.

Về vấn đề này, ông Võ Nguyên Phong cho hay, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội xây dựng phương án xử lý. Theo đó, tiếp tục xây dựng 26 cống xả trong phạm vi gói thầu số 2, đưa nước xả về nhà máy. 55 cống xả ngoài phạm vi dự án, đơn vị tư vấn đã khảo sát lưu lượng và đánh giá khả năng thu gom bổ sung của đường ống về nhà máy, làm cơ sở báo cáo thành phố bổ sung vào dự án.

Bổ cập nước sông Tô Lịch và ổn định mực nước hồ Tây

Hà Nội triển khai thực hiện đồng bộ nhiều phương án nhằm cải thiện môi trường sông Tô Lịch.

Hà Nội triển khai thực hiện đồng bộ nhiều phương án nhằm cải thiện môi trường sông Tô Lịch.

Trong khi đó, phương án bổ cập nước vào sông Tô Lịch được thành phố chia thành 2 giai đoạn, trước mắt và lâu dài, thể hiện sự cẩn trọng, tìm ra phương án tối ưu nhất.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến thông tin, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp ngày 4-2, quận Tây Hồ sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Phương án đề xuất là sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây để bổ cập nước cho hồ Tây, qua hồ trung gian là hồ Sen, bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây, sau đó đưa nước hồ Tây vào sông Tô Lịch.

Nước từ hồ Tây sẽ được bổ cập cho sông Tô Lịch qua cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - mương Thụy Khuê. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án bổ cập nước từ hồ Tây cho sông Tô Lịch, hoàn thành trong tháng 8-2025.

Với phương án lâu dài, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Tây Hồ rà soát các quy hoạch có liên quan, đề xuất phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công, có kết nối với việc bổ cập nước giai đoạn trước mắt đã triển khai, bảo đảm vừa bổ cập nước sông Tô Lịch, vừa điều tiết mực nước hồ Tây ổn định.

Theo phương án được Sở Xây dựng đề xuất: Xây dựng tuyến ống đường kính 1,2m, dài khoảng 5,3km, lấy nước từ sông Hồng, qua đê, chạy dọc đường Võ Chí Công và đổ trực tiếp vào sông Tô Lịch tại nút giao Hoàng Quốc Việt. Đồng thời, trên tuyến bố trí đầu chờ đưa nước vào Đầm Bảy (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) chờ xử lý trước khi xả vào hồ Tây. Đây được coi là phương án tối ưu nhất.

“Phương án này có thể thực hiện ngay mà không ảnh hưởng đến việc triển khai Đề án quy hoạch quản lý hồ Tây do UBND quận Tây Hồ thực hiện. Đây cũng là phương án có thể thi công nhanh, không phải giải phóng mặt bằng vì đường ống nằm trên hành lang giao thông hiện có”, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng cấp, thoát nước (Sở Xây dựng) Lê Văn Du đánh giá.

Nhằm bảo đảm việc thu gom triệt để toàn bộ nguồn nước thải quanh hồ Tây, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận Tây Hồ sẽ đẩy nhanh các thủ tục và triển khai đầu tư dự án hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải xung quanh hồ Tây. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thường xuyên quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây để bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam:
Dứt khoát phải bổ cập nước cho sông Tô Lịch

Việc nghiên cứu bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công là phương án khả thi. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý, ngoài giải pháp cơ học là bổ cập nước sạch vào để rửa trôi dòng sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội và các cơ quan chuyên môn cần kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp. Các đơn vị, sở, ngành có liên quan được thành phố giao nhiệm vụ cũng cần sớm xử lý, thu gom triệt để các nguồn xả thải ra sông.

Ngoài bổ cập nước, để sông Tô Lịch thực sự hồi sinh, thành phố cũng cần cải tạo lại mặt cắt, tạo cảnh quan đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp hai bên sông. Có như vậy mới tạo ra hiệu quả đồng bộ. Ngoài ra, không chỉ xử lý sông Tô Lịch, thành phố cũng cần lưu ý với 3 con sông nội đô còn lại, bởi không gian ô nhiễm rất rộng. Thực hiện toàn diện như vậy mới tạo ra những trục cảnh quan đẹp cho thành phố.

GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp, thoát nước Việt Nam:
Bổ cập nước cho hồ Tây cần tránh “sốc” sinh thái

Nếu muốn có nước từ hồ Tây để bổ cập cho sông Tô Lịch trong trường hợp cần thiết để giữ mực nước sông Tô Lịch qua cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - mương Thụy Khuê thì phải có nước sông Hồng bổ cập cho hồ Tây, đặc biệt trong mùa khô. Đó là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý lượng nước để bổ cập cho hồ Tây nếu lấy từ sông Hồng không được quá lớn. Theo tính toán, tối đa chỉ vào khoảng 1-1,5m3/giây. Đồng thời, khi bổ cập nước cho hồ Tây cũng cần phân tán với nhiều miệng xả, tránh xả mạnh ở một chỗ, dễ gây “sốc” sinh thái, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật của hồ Tây.

Về chủ trương nghiên cứu xây dựng các đập dâng trên sông Tô Lịch, bao gồm đập chữ T tại ngã ba sông Tô Lịch gần chùa Long Quang, huyện Thanh Trì và các đập cao su giữ mực nước trên sông, tôi cho rằng sẽ giúp tiết diện dòng chảy tăng lên, vận tốc dòng chảy chậm đi, nhưng vô hình trung tạo thành 3 hồ lớn trên sông Tô Lịch. Trong khi đó, thực tế lại cần phải phục hồi dòng chảy.

PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng:
Kết hợp giải pháp tình thế với xử lý căn cơ, đồng bộ

Quyết tâm của thành phố Hà Nội làm sống lại các con sông trong nội đô, trong đó tập trung vào sông Tô Lịch là rất đáng hoan nghênh, được nhân dân đồng tình và mong chờ lâu nay. Bởi sông ô nhiễm là vấn đề không chỉ liên quan đến môi trường sống, mà còn ảnh hưởng đến an sinh, sức khỏe con người. Dòng sông được ví như mạch máu của thành phố, tạo cảnh quan, giá trị văn hóa của Hà Nội.

Đáng mừng là các giải pháp đưa ra lần này hết sức hợp tình, hợp lý, kết hợp cả giải pháp tình thế, bổ trợ với giải pháp căn cơ, đồng bộ, nhằm giải quyết gốc lõi của tình trạng ô nhiễm. Thành phố không chỉ nghiên cứu phương án dẫn nước từ sông Hồng vào rửa trôi ô nhiễm, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, mà còn đồng bộ thu gom, xử lý các nguồn xả thải ra sông; cải tạo cảnh quan, nạo vét dòng sông… Với việc bổ cập nước từ sông Hồng, thành phố nên lưu tâm đánh giá tác động đến dòng chảy của sông vì chức năng của sông Hồng là dòng chảy, là phù sa.

Triệu Hoa ghi

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-bo-cac-giai-phap-hoi-sinh-song-to-lich-692754.html