Đồng bộ thực hiện chiến lược công tác dân tộc

Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước đã nỗ lực tham mưu, phối hợp các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Hiện đang tập trung triển khai thực hiện giai đoạn 1, từ năm 2021-2025 của chiến lược trên địa bàn tỉnh.

KHƠI DẬY Ý CHÍ TỰ LỰC, CHỦ ĐỘNG VƯƠN LÊN

Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khá cao, đời sống còn nhiều khó khăn, xã Đắk Ơ được huyện Bù Gia Mập ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, xây dựng nhiều công trình, dự án như: Đường giao thông nông thôn, hỗ trợ nhà, đất ở cho đồng bào DTTS…

Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đắk Ơ có 10 hộ đăng ký được hỗ trợ xây nhà, đến nay đã thực hiện xong. Hộ anh Điểu Đơm, ngụ thôn 4 là một điển hình. Năm 2022, từ nguồn hỗ trợ 46 triệu đồng của chương trình, 40 triệu đồng tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập cùng 60 triệu đồng dành dụm nhiều năm, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, với kinh phí 146 triệu đồng.

Đường giao thông nông thôn tại thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi năm 2022 được xây dựng giúp người dân trong vùng đi lại, giao thương thuận tiện hơn

Đường giao thông nông thôn tại thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi năm 2022 được xây dựng giúp người dân trong vùng đi lại, giao thương thuận tiện hơn

Cùng được thụ hưởng chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, ngoài căn nhà đại đoàn kết, gia đình ông Lô Văn Thắng ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng còn được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, máy cắt cỏ để tạo sinh kế phát triển kinh tế lâu dài. Đặc biệt, chỉ sau thời gian ngắn tham gia mô hình giúp nhau phát triển kinh tế do địa phương vận động thành lập, công việc cắt cỏ, phun thuốc, cắt cành, tạo tán cây trồng với các nông cụ hỗ trợ đã giúp gia đình ông Thắng có thu nhập tương đối ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Mô hình giúp nhau phát triển kinh tế ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau bước đầu thành lập có 10 thành viên là các hộ nghèo, cận nghèo DTTS. Với các nông cụ như máy cắt cỏ, xịt thuốc Nhà nước hỗ trợ, các thành viên được hướng dẫn kỹ năng cơ bản về kỹ thuật, đồng thời giới thiệu công việc phù hợp mang tính thường xuyên để cải thiện thu nhập về lâu dài. Năm 2022, thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, xã Đắk Nhau đã giảm được 81 hộ nghèo, trong đó có 58 hộ DTTS. Từ thành công bước đầu này, địa phương đã nhân rộng, đồng thời xây dựng thêm các mô hình chăn nuôi tập thể. Qua đó khơi dậy, phát huy nguồn nhân công nhàn rỗi còn khá lớn trong các hộ DTTS trên địa bàn.

Đắk Nhau có đông đồng bào DTTS sinh sống (hơn 50% dân số toàn xã). Tỷ lệ hộ nghèo ở Đắk Nhau chiếm 5,6%. Việc tham gia có trách nhiệm, trong đó tạo sinh kế ổn định được xem là giải pháp căn cơ, giúp các hộ DTTS nhận thức đầy đủ, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN

Đường liên thôn Đắk Lim - Bù Xia, tuyến giao thông quan trọng nối trung tâm xã với các thôn có đông đồng bào DTTS của xã Đắk Ơ vừa được khởi công. Với bề rộng 5m, mặt đường nhựa, công trình đường liên thôn này là niềm mong đợi của người dân trên địa bàn từ hơn 10 năm qua. Trong 2 năm 2022, 2023, huyện Bù Gia Mập được bố trí nguồn vốn gần 140 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó nguồn vốn bố trí năm 2023 là hơn 71 tỷ đồng. Với nhiều nỗ lực, đến nay huyện Bù Gia Mập là địa phương có tiến độ giải ngân cao so với mặt bằng chung của tỉnh.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra kết quả thực hiện sân khấu Nhà văn hóa thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, thuộc dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra kết quả thực hiện sân khấu Nhà văn hóa thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, thuộc dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác dân tộc. Từ những chủ trương, quyết sách và chính sách đúng đắn, cụ thể, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS đã có những đổi thay mạnh mẽ. Đời sống kinh tế của đồng bào phát triển; hệ thống chính sách vùng đồng bào DTTS được củng cố và tăng cường; lòng tin của cộng đồng các DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được củng cố.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh LÝ TRỌNG NHÂN

Tại huyện biên giới Lộc Ninh, cùng với các chương trình giảm nghèo khác, nhiều công trình, dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được huyện Lộc Ninh triển khai thực hiện tốt. Nguồn vốn được giải ngân kịp thời đã giúp các công trình, dự án trên địa bàn đảm bảo tiến độ, sớm đưa vào vận hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS của địa phương. Điển hình như dự án kênh mương kết hợp đường nội đồng tại ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú được đầu tư với tổng kinh phí 1 tỷ đồng, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang trong quá trình hoàn thành. Khi đi vào vận hành khai thác, công trình sẽ giúp các hộ dân thâm canh, tăng vụ, không còn quá phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên như trước đây. Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Lộc Ninh hoàn thành giải ngân vốn năm 2022 với 43 tỷ đồng; đồng thời triển khai xây dựng kế hoạch năm 2023 với nguồn vốn phân bổ dự kiến hơn 17 tỷ đồng.

TẠO SỨC BẬT PHÁT TRIỂN VÙNG DTTS

Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2025 đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm trên 1,5-2%/năm. 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. 100% hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đảm bảo tỷ lệ trẻ học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, THCS trên 95%, THPT trên 80%... Phấn đấu 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Phấn đấu nâng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tối thiểu ở cấp tỉnh là 5%, cấp huyện 10% và cấp xã (thuộc vùng DTTS và miền núi) là 15%. Phấn đấu 100% số xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới…

Một trong những hộ người DTTS tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản sử dụng vốn vay thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xóa nghèo bền vững đầu tư nuôi dê để phát triển kinh tế

Một trong những hộ người DTTS tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản sử dụng vốn vay thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xóa nghèo bền vững đầu tư nuôi dê để phát triển kinh tế

Để triển khai thực hiện tốt kế hoạch Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1, từ năm 2021-2025, thời gian qua đã có sự đồng thuận, tích cực của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã thể hiện vai trò trong việc tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành các chính sách phù hợp, tạo sức bật phát triển cho vùng DTTS và miền núi.

Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh, tập quán sản xuất… nên quá trình phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn còn những hạn chế nhất định. Để khắc phục vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, Bình Phước đã nhìn nhận những khó khăn, thách thức và vấn đề đặt ra đối với công tác dân tộc, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp, giải quyết hiệu quả chính sách bảo đảm đời sống, an sinh xã hội của đồng bào DTTS. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và sự phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời đổi mới nội dung, phương thức công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thông qua các chính sách, biện pháp cụ thể cũng như các công trình, dự án được đầu tư có hiệu quả, tiếp tục là đòn bẩy để đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Điểu Lành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/145806/dong-bo-thuc-hien-chien-luoc-cong-tac-dan-toc