Dòng chảy của vốn trong không gian tăng trưởng mới
Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 trước đó, cao hơn 200.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2024.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_595_51463321/b052971ca7524e0c1743.jpg)
Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 khoảng 875.000 tỷ đồng, cao hơn 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 trước đó, cao hơn 200.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2024.
Kiều Chinh
Tại Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 12/2, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế năm 2025, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên.
Với các động lực tăng trưởng, năm 2025, Chính phủ dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP. Trong đó, đầu tư công khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng tại Nghị quyết số 159 năm 2024 của Quốc hội.
Không những vậy, một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia cho các mục tiêu dài hạn, cũng đã được đề ra và yêu cầu khởi động ngay trong năm nay, sẽ góp phần làm kế hoạch đầu tư công năm 2025 tăng mạnh so với các năm trước.
Trong đó, năm 2025 cũng là điểm rơi của nhiều dự án quan trọng, chẳng hạn như dự kiến hoàn thành 3.000 km cao tốc Bắc - Nam; kích hoạt nhiều dự án mới như dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây với tổng chiều dài trên 1.200 km qua 23 tỉnh, thành phố.
Đầu tư công kích hoạt không gian phát triển mới
Chia sẻ với Mekong ASEAN, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá, hoàn toàn có tiềm năng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, ở mức 8% trở lên trong năm 2025.
Tuy nhiên, đây không phải là một mục tiêu dễ dàng đạt được, mà đòi hỏi nỗ lực từng cơ hội và đột phá. Để đạt được mục tiêu này, cần phải xác định rõ các động lực quan trọng có thể thúc đẩy tăng trưởng.
Trong đó, đầu tư công vẫn được nhận diện là một trong những động lực chính của tăng trưởng năm nay. Đặc biệt khi năm 2025 đánh dấu giai đoạn cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với tổng vốn đầu tư cao kỷ lục hơn 875.000 tỷ đồng.
Những năm qua, đầu tư công đóng vai trò là một động lực rất quan trọng của nền kinh tế. Theo ước tính của Bộ Tài chính, đến ngày 31/1/2025, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 84,47% kế hoạch, bằng 93,06% so với mức Thủ tướng Chính phủ giao.
Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, nhưng vẫn cần đẩy mạnh và nhanh hơn nữa, TS. Lê Duy Bình nhìn nhận.
Một đồng vốn đầu tư công được giải ngân trong quý đầu năm sẽ tạo ra ý nghĩa kinh tế lớn hơn nhiều so với khi nó được chi vào quý cuối năm. Trong bối cảnh này, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch để giải ngân được nguồn vốn dồi dào lên tới 875.000 tỷ đồng, tránh tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm chạy nước rút. Bởi dòng tiền càng sớm đưa vào nền kinh tế, càng có cơ hội quay vòng và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.
Tăng trưởng đến từ đầu tư công cũng sẽ mạnh mẽ hơn, nếu nó lôi kéo và kích thích đầu tư tư nhân, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ góp phần đẩy mạnh tổng cầu, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ của nền kinh tế. Bởi, xét tổng thể, đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập được một cấu trúc hài hòa, bền vững của tổng thể cấu trúc đầu tư toàn xã hội.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_595_51463321/46326b7c5b32b26ceb23.jpg)
Mặt khác, theo Giám đốc Economica Việt Nam, tăng trưởng từ đầu tư có thể được làm mới bằng cách đồng vốn được rót vào các công trình trọng điểm, tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy hay là động lực cho sự phát triển của một địa phương, một vùng hay một lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Việc này hỗ trợ đắc lực cho kinh tế chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng mới.
Luật Đầu tư công đã có hiệu lực từ đầu năm 2025 với đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công kỳ vọng sẽ tạo những “đột phá”, giải phóng nguồn lực đầu tư công, hỗ trợ kinh tế hướng đến mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, TS. Lê Duy Bình kỳ vọng.
Làm sao để nguồn vốn đầu tư công được sử dụng hiệu quả?
Nhấn mạnh con số kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Chính phủ dự kiến lên tới 875.000 tỷ đồng, một con số lớn chưa từng có, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế chia sẻ với Mekong ASEAN một băn khoăn: Làm sao để nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế?
Theo vị chuyên gia này, cần lập kế hoạch chi tiết và phân bổ vốn đầu tư hợp lý, trong đó xác định danh mục dự án ưu tiên, có tiêu chí đánh giá mức độ ưu tiên bao gồm tính cấp thiết, hiệu quả kinh tế, tác động kinh tế - xã hội, khả năng hoàn thành đúng hạn.
Sau đó phân bổ ngân sách theo từng giai đoạn, tránh tình trạng thiếu hụt vốn giữa chừng hoặc sử dụng vốn không hiệu quả, cũng như cân nhắc linh hoạt điều chỉnh ngân sách khi cần thiết.
Song song đó, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án. Đặc biệt, tăng cường tính minh bạch và kiểm soát ngay từ đầu thông qua việc xây dựng quy trình thẩm định khoa học, tránh tình trạng “rải vốn” hoặc đầu tư dàn trải.
Có thể ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư công, sử dụng AI và phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hóa nguồn vốn, theo dõi tiến độ bằng phần mềm quản lý dự án, cảnh báo sớm các rủi ro, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, cần nâng cao vai trò của các Bộ, ngành và địa phương, phân quyền và phối hợp hiệu quả. Trong đó, các Bộ, ngành phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tiến độ, về phía địa phương thì chủ động đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án.
“Rất cần có sự quyết liệt và trao trách nhiệm cho mỗi Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ về giải ngân với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Phân cấp phân quyền, tạo điều kiện để sớm phân bổ kế hoạch vốn, sớm phê duyệt, đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn,” theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu dự án, xây dựng quy chế thưởng - phạt trong quá trình triển khai dự án. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công có uy tín tham gia.
Tại hội nghị với 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thường trực Chính phủ vừa qua, các tên tuổi lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt như Thaco, Hòa Phát, FPT... đề xuất “xung phong” đăng ký cơ chế để thực hiện các dự án lớn của đất nước như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc. Đây cũng là một điểm tích cực được kỳ vọng kích hoạt mạnh mẽ dòng chảy vốn đầu tư công.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_595_51463321/a1c28e8cbec2579c0ed3.jpg)
Địa phương ‘bắt tay vào làm’ ngay từ đầu năm
Từ phía địa phương, ngay từ đầu năm, hàng loạt tỉnh, thành phố đã ra chỉ thị quyết tâm thực hiện mục tiêu giải ngân 95 - 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngày 16/12/2024, ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố là 87.130 tỷ đồng. Theo đó, kế hoạch đầu tư công năm nay của Hà Nội cao gấp 1,13 lần so với năm 2024 và gấp 2,1 lần so với năm 2021 - năm đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
TP Hà Nội yêu cầu tập trung giải ngân nhanh ngay từ đầu năm, ưu tiên các dự án đã hoàn thành hoặc chuyển tiếp, đặc biệt là các công trình có tầm ảnh hưởng lớn. Các biện pháp giám sát chặt chẽ, khắc phục khó khăn trong thi công và giải phóng mặt bằng được triển khai quyết liệt. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án để bảo đảm điều kiện bố trí vốn.
TP Hà Nội cũng tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.
Tại TP HCM, năm 2025, thành phố đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 95% tổng vốn hơn 84.100 tỷ đồng được Thủ tướng giao. Mục tiêu được TP đặt ra trong bối cảnh nhiều năm liền tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở TP Hồ Chí Minh không được như kỳ vọng.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành liên quan áp dụng công thức 1 - 3 - 7 để thực hiện các công việc, tức khi nhận được thông tin, trong một ngày phải giao ngay cho người tiếp nhận và xử lý. Sau 3 ngày phải báo cáo lại, những công việc phức tạp hơn thì là 7 ngày.
Tại Hải Dương, ngay tháng đầu năm, kết quả thực hiện vốn đầu tư công của tỉnh đã đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tháng 1/2025, tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 369,6 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,5% so với kế hoạch cả năm.
Kế hoạch đầu tư công năm 2025, căn cứ vào khả năng cân đối vốn và kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Hải Dương dự kiến sẽ dành gần 23.000 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD) nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các dự án, công trình, tăng 3,5 lần so với năm 2024.
Hàng loạt các địa phương khác như Bình Dương, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa,... cũng đã kích hoạt kế hoạch giải ngân đầu tư công lớn, nhanh chóng triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tập trung mọi giải pháp, quyết liệt giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng.
KIỀU CHINH