Đồng chí Phan Đình Trạc dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Hoàng Mai
Tối 31/3, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (3/4/2013 – 3/3/2023) và đón Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An, lãnh đạo thị xã Hoàng Mai cùng đông đảo nhân dân địa phương.
Thị xã Hoàng Mai được thành lập theo Nghị quyết số 47/NQ-CP của Chính phủ ngày 3/4/2013 (tách địa giới hành chính từ huyện Quỳnh Lưu), là địa phương cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 75 km về phía Bắc, là điểm giao thoa giữa hai đô thị lớn nhất của Bắc Trung bộ là thành phố Thanh Hóa và thành phố Vinh. Nơi đây hội tụ đầy đủ biển, đồng bằng, rừng núi và các yếu tố thuận lợi trong phát triển công nghiệp.
Diễn văn tại buổi lễ, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An khẳng định, tròn 10 năm chia tách địa giới hành chính từ huyện Quỳnh Lưu, cùng với sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh Nghệ An, thị xã Hoàng Mai từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân đạt trên 14%/năm. Quy mô kinh tế theo giá trị sản xuất (giá so sánh) năm 2022, đạt 21.699 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2014), là địa phương có mức tăng quy mô giá trị sản xuất cao nhất, đồng thời tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm 3 đơn vị cấp huyện có quy mô giá trị sản xuất lớn nhất của cả tỉnh Nghệ An. Giá trị tăng thêm bình quân từ 31,75 triệu đồng/người/năm (năm 2014) lên 74,9 triệu đồng/người/năm (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,09% vào năm 2022.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Hữu An, Hoàng Mai bắt đầu thực hiện Chương xây dựng Nông thôn mới có điểm xuất phát thấp, 5 đơn vị hành chính cấp xã có 2 xã nghèo, 1 xã miền núi. Năm 2013, bình quân đạt 6 tiêu chí/xã; hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém. Với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã, sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực xây dựng hơn 1.635 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 516 tỷ đồng, chiếm hơn 31,56%. Đến cuối năm 2020, 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, sớm trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, từ một vùng đất mà nền kinh tế chỉ dựa vào nông, ngư nghiệp, nay thị xã Hoàng Mai đang dần trở thành "tọa độ" được các nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn làm nơi "rót vốn" đầu tư. Từ năm 2014 đến nay, thị xã có 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 19.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định, tạo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân như: Tôn Hoa Sen, May Vinatex, May thêu Dong-A, Bánh kẹo Hải Châu II, Tổ hợp dịch vụ và khách sạn Mường Thanh, chợ Hoàng Mai.
Hiện thị xã Hoàng Mai có 3 khu công nghiệp bao gồm: Khu Công nghiệp Đông Hồi; Khu Công nghiệp Hoàng Mai I, Khu Công nghiệp Hoàng Mai II đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư. Riêng Khu Công nghiệp Hoàng Mai I tổng diện tích 264.77 ha… đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Ju Teng, Tập đoàn Hoa Lợi.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị, thời gian tới, thị xã Hoàng Mai cần bám sát định hướng và quy hoạch của tỉnh; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp tục phát huy lợi thế vùng phụ cận, khu công nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thị xã cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các khu vực, lĩnh vực kinh tế trọng điểm và mũi nhọn gắn với vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ; tiếp tục phát triển các lĩnh vực, ngành, sản phẩm sử dụng hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; tăng cường công tác quản lý khoáng sản, có biện pháp cải tạo, phục hồi, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, Đảng bộ và chính quyền thị xã Hoàng Mai cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, nhiệt tình, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới" và Phong trào thi đua "Chung sức xây dựng Nông thôn mới".
Hoàng Mai kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hóa - lịch sử và cảnh quan để phát triển du lịch và dịch vụ, nhất là du lịch tâm linh, du lịch biển; chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đô thị; coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo; có định hướng, kế hoạch cụ thể nhằm thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là vấn đề then chốt, quyết định sự thành công trong chiến lược phát triển của thị xã.
Nhân dịp này, thị xã Hoàng Mai cũng đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Nghệ An tặng bức trướng "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hoàng Mai 10 năm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển".