Đông Cứu - Làng thêu giữ lửa truyền thống

Làng thêu Đông Cứu, thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, đặc biệt là thêu long bào cho các triều vua phong kiến Việt Nam. Nơi đây còn được xem như cái nôi của những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Mặt trước và sau của một tác phẩm thêu tay. Ảnh: Phương Nga, Hoàng Anh

Mặt trước và sau của một tác phẩm thêu tay. Ảnh: Phương Nga, Hoàng Anh

Lịch sử hình thành

Theo thần tích của làng và bản sắc phong của các triều vua Việt Nam, làng thờ ông Lê Công Hành - một vị Tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637). Tương truyền, sau lần đi sứ đến phương Bắc, ông có học được kỹ thuật thêu vô cùng độc đáo của người dân nơi đây nên khi về, ông đã truyền dạy những kinh nghiệm quý báu ấy cho nhân dân trong nước, trong đó có người dân làng Đông Cứu. Đó cũng chính là lý do Lê Công Hành được tôn xưng là ông tổ nghề thêu cổ truyền tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, dân gian còn kể lại, nghề thêu ở làng Đông Cứu vốn xuất phát từ nghề bắt nét kim tuyến. Vua Nguyễn từng mời các nghệ nhân nơi đây vào Huế nhằm thành lập một đội chuyên phục vụ các trang phục hoàng cung thời bấy giờ. Trải qua thăng trầm của những năm tháng lịch sử, làng thêu Đông Cứu được cho là làng thêu áo vua, áo mão, trang phục hầu đồng lớn nhất còn sót lại ở đất Bắc.

Nét đặc trưng cổ truyền

Trước hết, phải nói về kỹ thuật thêu của làng Đông Cứu. Kỹ thuật thêu của người dân nơi đây đòi hỏi sự tỉ mỉ và tay nghề cao. Các nghệ nhân làng Đông Cứu sử dụng những kỹ thuật thêu đặc biệt để tạo ra những sản phẩm có độ tinh xảo và chiều sâu vượt trội.
Có thể kể đến ở đây là kỹ thuật thêu móc, một trong những kỹ thuật đặc trưng của làng Đông Cứu. Người thợ dùng kim móc để tạo ra những đường nét mềm mại, uyển chuyển trên bề mặt vải. Kỹ thuật này thường được sử dụng để thêu các hoa văn truyền thống như hoa sen, rồng, phượng, tạo nên vẻ đẹp sống động và sâu sắc cho từng sản phẩm.

Ngoài ra, còn có kỹ thuật thêu chần. Đây là kỹ thuật thêu sử dụng hai hoặc nhiều lớp vải chồng lên nhau và thêu các đường chỉ để cố định các lớp vải lại với nhau. Phương pháp này nhằm tạo ra những họa tiết nổi bật, có chiều sâu, làm tăng sự phong phú và đa dạng cho sản phẩm.

Họa tiết con phượng được thêu nổi tạo hiệu ứng 3D bắt mắt. Ảnh: Phương Nga

Họa tiết con phượng được thêu nổi tạo hiệu ứng 3D bắt mắt. Ảnh: Phương Nga

Mỗi loại trang phục cũng sẽ có những quy tắc thêu và loại màu riêng. Đối với trang phục dành cho vua, họa tiết rồng được trọng dụng bởi nó thể hiện sự uy nghi và linh thiêng. Họa tiết này thường được thêu ở vị trí trung tâm và chiếm phần lớn diện tích trên long bào (áo của vua). Hình ảnh rồng với năm móng vuốt, tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối, chỉ dành riêng cho vua. Khi thêu, người thợ vừa phải thêu xoắn lại vừa phải bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại mà vẫn đạt yêu cầu về độ chính xác.

Họa tiết và màu sắc trên long bào. Ảnh: Phương Nga, Hoàng Anh

Họa tiết và màu sắc trên long bào. Ảnh: Phương Nga, Hoàng Anh

Thêm vào đó, sự hài hòa màu sắc là một yếu tố quan trọng trong thêu, góp phần tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cho mỗi tác phẩm. Trong nghề thêu của làng Đông Cứu, các nghệ nhân không chỉ chú trọng đến kỹ thuật thêu mà còn đặc biệt quan tâm đến việc phối màu sao cho hài hòa và tinh tế. Mỗi màu sắc đều được lựa chọn và kết hợp một cách khéo léo với nhau để tạo nên sự cân đối, phong phú cho trang phục.
Các nghệ nhân thêu nơi đây thường sử dụng nguyên tắc tương phản để làm nổi bật các họa tiết thêu trên trang phục. Sự tương phản giữa các màu sắc như vàng - đỏ, xanh - trắng, đen - trắng không chỉ tạo nên sự sinh động, bắt mắt mà còn giúp các chi tiết thêu trở nên rõ nét và nổi bật hơn. Ví dụ, trên nền vải màu đỏ, các họa tiết thêu bằng chỉ vàng, xanh hoặc trắng sẽ thu hút sự chú ý và tạo điểm nhấn cho trang phục.

Sự hài hòa về màu sắc trên một tác phẩm thêu. Ảnh: Phương Nga

Sự hài hòa về màu sắc trên một tác phẩm thêu. Ảnh: Phương Nga

Ngoài việc sử dụng màu sắc tương phản, các nghệ nhân còn kết hợp các màu sắc bổ sung để tạo nên sự cân đối. Các màu sắc bổ sung là những màu nằm đối diện nhau trên bánh xe màu sắc, khi kết hợp với nhau sẽ tạo nên sự cân bằng và dễ chịu cho mắt. Trong nghệ thuật thêu làng Đông Cứu, sự kết hợp giữa các màu như đỏ - xanh lá, vàng - tím không chỉ tạo nên sự đa dạng mà còn làm cho trang phục thêu trở nên phong phú và tinh tế hơn.

Hồn việt dưới bàn tay của người nghệ nhân

Giá trị lịch sử: Nghề thêu làng Đông Cứu có lịch sử hàng trăm năm, xuất phát từ thời kỳ phong kiến khi các sản phẩm thêu được dùng phổ biến trong cung đình và các đền chùa. Qua nhiều thế kỷ, nghề thêu trở thành một phần không thể thiếu của làng quê Việt Nam nói chung và các vùng quê đất Bắc như làng Đông Cứu nói riêng.
Các sản phẩm thêu của làng Đông Cứu từng được sử dụng trong trang phục của vua chúa và quan lại, cũng như trong các nghi lễ tôn giáo và văn hóa. Những bộ trang phục thêu tinh xảo này không chỉ thể hiện quyền lực mà còn phản ánh sự giàu có và tinh hoa của nghệ thuật thêu cổ truyền.
Có thể thấy, nghề thêu nơi đây được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mỗi thế hệ nghệ nhân đều nỗ lực bảo tồn và phát huy những kỹ thuật thêu truyền thống. Sự kế thừa này không chỉ là việc giữ gìn sản nghiệp mà còn là việc truyền dạy những giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của dân tộc. Qua từng thế hệ, nghề thêu vẫn giữ được sự tinh tế và độc đáo, tạo nên những sản phẩm mang giá trị nghệ thuật và văn hóa cao.
Giá trị văn hóa
Nghề thêu nơi đây không chỉ là một nghề thủ công mà còn là biểu tượng của văn hóa truyền thống Việt Nam. Các sản phẩm thêu không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Những họa tiết thêu, từ rồng phượng đến hoa văn truyền thống đều mang ý nghĩa tượng trưng cho uy quyền, sự thanh cao và phồn thịnh. Những họa tiết này được thêu tỉ mỉ và tinh xảo, thể hiện sự khéo léo và óc sáng tạo của người thợ.

Họa tiết “rồng vàng” trên một tác phẩm thêu. Ảnh: Phương Nga

Họa tiết “rồng vàng” trên một tác phẩm thêu. Ảnh: Phương Nga

Có thể thấy, kỹ thuật thêu tinh xảo của mảnh đất truyền thống này là sự kết tinh của nghệ thuật dân gian. Mỗi sản phẩm thêu đều là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh tâm hồn và tình cảm của người nghệ nhân.

“Sợi chỉ mỏng manh” trước cơn gió thị trường

Chủ xưởng thêu Khăn chầu, Áo ngự Đốc Phà. Ảnh: Phương Nga

Chủ xưởng thêu Khăn chầu, Áo ngự Đốc Phà. Ảnh: Phương Nga

Chủ xưởng thêu truyền thống Khăn chầu, Áo ngự Đốc Phà (Làng Đông Cứu, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Trước khi cái nghề này được công nhận là Di sản văn hóa, muốn may cái gì, trả hàng cho ai là phải đi “trộm”. Giờ công nhận rồi lại rộ lên cái nghề này, nhà nào cũng thêu cũng làm, rồi đến hàng chợ hàng nhái đầy trên thị trường. Nhiều người không phân biệt được thành ra không biết rồi mua nhầm mẫu áo. Vải để may thì cô phải lấy ở bên Trung Quốc về, ở Việt Nam không có những loại vải này, kể cả có thì bán quá đắt. Thường thì một cái áo đã mất khoảng hơn 1 triệu tiền vải rồi.”

Thời gian hoàn thiện một sản phẩm đơn giản mất chừng nửa tháng, những sản phẩm cầu kỳ và yêu cầu kỹ thuật phải mất đến hàng tháng trời, thậm chí là vài năm. Lượng cầu trên thị trường ngày càng nhiều dẫn tới sự phát triển đa dạng của lượng cung. Những xưởng thêu không chính thống mọc lên, bán hàng vì lợi nhuận mà bỏ qua tính kỹ lưỡng, cẩn trọng trong từng mũi chỉ. Điều này đã làm giảm giá trị truyền thống, tính thẩm mỹ và tính thời trang của sản phẩm, ảnh hưởng đến những thợ thêu chân chính vốn luôn dốc hết cái tâm với nghề.
Đối mặt với thời cuộc, làng Đông Cứu đã có những thay đổi để tiếp tục tồn tại và gìn giữ nghề thêu mà tổ tiên truyền lại. Hoàng bào, mấn, mão hay lọng giờ đây được chế tác để phục vụ cho việc bảo tồn di sản, nghi thức thờ cúng và làm phim. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề hiện nay ngoài Áo ngự cho các hầu đồng còn có tranh thêu, câu đối làm quà lưu niệm,…

Các công đoạn trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Ảnh Phương Nga

Các công đoạn trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Ảnh Phương Nga

Theo thời gian, cách thiết kế các chi tiết trên áo cũng dần thay đổi. Chân dung khách hàng của nghề thêu độc đáo này giờ đây đón nhận thêm thế hệ trẻ, tuy nhiên cũng kéo theo những bất cập khó lường. Phần lớn người trẻ còn chạy theo xu hướng thời trang, không quan tâm đến nguồn gốc, tính chính xác và ý nghĩa của các họa tiết trên Khăn chầu, Áo ngự. Thay vào đó, họ thi nhau đặt những bộ đồ lộng lẫy mà bỏ quên đi những giá trị nguyên bản cũng như mục đích của Áo ngự, Khăn chầu.
Mất nhiều hơn được, thế nhưng, bằng đam mê và tình yêu dành cho nghề, xưởng thêu Đốc Phà và những xưởng thêu Khăn chầu, Áo ngự khác của làng Đông Cứu vẫn ngày ngày miệt mài với từng đường kim mũi chỉ.

Nỗ lực bảo tồn di sản và làng nghề

Công đoạn thêu móc các họa tiết trên áo. Ảnh: Phương Nga

Công đoạn thêu móc các họa tiết trên áo. Ảnh: Phương Nga

Mặc dù được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình, chất lượng sản phẩm của làng thêu vẫn luôn giữ được phong độ và đảm bảo giá trị của mình. Dù là những phụ kiện kèm theo như đôi hài, mũ quan đều phải đáp ứng những quy tắc nghiêm khắc và đòi hỏi sự tỉ mẩn từ người nghệ nhân.
Chủ xưởng thêu Đốc Phà chia sẻ thêm, xưởng thường nhận được lời mời từ các triển lãm trong nước và quốc tế để quảng bá hình ảnh nghề thêu độc đáo này. Khâu chuẩn bị cho triển lãm tốn rất nhiều công sức và thời gian, ngoài việc chọn ra những bộ đồ kỳ công nhất, các nghệ nhân còn cần phải chỉnh sửa lại những tiểu tiết trên áo, điều chỉnh lại từng đường chỉ sao cho tác phẩm mỹ mãn nhất.

KẾT LUẬN

Mỗi sản phẩm làm ra là sự kết tinh của tình yêu nghề và nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề thêu cung đình tại làng Đông Cứu là một điều vô cùng trân quý. Với những ngôi làng khác, cây đa, giếng nước, sân đình là mảnh hồn làng, còn đối với làng Đông Cứu, mảnh hồn làng ấy còn gắn liền với nghề thêu cao quý này. Hơn thế nữa, nghề thêu cung đình nơi đây còn là di sản quý giá và là niềm tự hào của người Việt Nam.
Với sự sáng tạo và niềm đam mê tìm tòi của các nhà thiết kế trong nước, hy vọng sẽ ngày càng có nhiều bộ sưu tập ấn tượng được ra mắt. Đồng thời, mang thêm nhiều cơ hội để giới thiệu, lưu truyền nghệ thuật thêu làng Đông Cứu nói riêng và các ngành nghề truyền thống khác tại Việt Nam nói chung.

Phương Nga - Hoàng Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dong-cuu-lang-theu-giu-lua-truyen-thong-a25263.html