Đông đảo người dân quan tâm góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID

Người dân trên cả nước có thể dễ dàng truy cập, đọc toàn văn dự thảo và trực tiếp gửi góp ý thông qua ứng dụng VNeID - không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp.

Hưởng ứng Kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Chính phủ, ngày 08/5/2025, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị quán triệt chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong Công an nhân dân. Từ đó, quán triệt Kế hoạch “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID”.

Công an thành phố Hà Nội đang huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, tổ chức tiếp nhận, tổng hợp đầy đủ, chính xác tất cả các ý kiến đóng góp của Nhân dân đến hết ngày 29/5/2025. Ảnh: congan.com.vn

Công an thành phố Hà Nội đang huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, tổ chức tiếp nhận, tổng hợp đầy đủ, chính xác tất cả các ý kiến đóng góp của Nhân dân đến hết ngày 29/5/2025. Ảnh: congan.com.vn

Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeI: Đảm bảo tính tiện lợi, chính xác và bảo mật thông tin

Theo đó, từ ngày 06/5/2025, người dân trên cả nước có thể dễ dàng truy cập, đọc toàn văn dự thảo và trực tiếp gửi góp ý thông qua ứng dụng VNeID - một nền tảng số quen thuộc, tiện lợi và bảo mật cao. Việc thực hiện lấy ý kiến thông qua ứng dụng VNeID không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp.

Chỉ sau 2 ngày triển khai, Công an thành phố Hà Nội đã ghi nhận trên ứng dụng VNeID hơn 6.400 lượt góp ý của người dân, trong đó cơ bản tán thành với dự thảo. Công an thành phố Hà Nội đang huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, tổ chức tiếp nhận, tổng hợp đầy đủ, chính xác tất cả các ý kiến đóng góp của Nhân dân đến hết ngày 29/5/2025 - không để sót bất kỳ ý kiến nào.

Hoạt động này không chỉ nhằm hoàn thiện văn bản Hiến pháp theo hướng khoa học, sát thực tiễn mà còn là dịp để huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Qua đó, khẳng định vai trò chủ thể của Nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội với những điểm mới trong dự thảo Hiến pháp.

Việc ứng dụng công nghệ số vào lấy ý kiến Nhân dân không chỉ là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử, phục vụ Nhân dân hiệu quả, thiết thực, đúng với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện góp ý sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID như sau:

Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản VNeID

Bước 2: Tại trang chủ lướt chọn banner Tiện ích "Lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID"

Bước 3: Chọn Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013

Bước 4: Chọn Đọc và (hoặc) gửi góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013

Bước 5: Chọn vào nội dung muốn góp ý và chọn "Gửi" để góp ý sửa Hiến pháp.

Lưu ý: Cần nhập Chức vụ/Học vị của cá nhân để góp ý sửa đổi Hiến pháp.

Ngoài VNeID, cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp mã QR truy cập tài liệu và video hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID, đồng thời đề nghị các địa phương chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tế tại từng khu vực.

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh được giao phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin về việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp sở hữu bảng quảng cáo, màn hình điện tử tại trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, thang máy... dành thời lượng phát nội dung hướng dẫn người dân tham gia góp ý.

Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ được đề nghị phối hợp với các nhà mạng như Viettel, Mobifone, Vinaphone… gửi tin nhắn vận động người dân tham gia. Các đơn vị này đồng thời có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống các hành vi tấn công mạng trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.

Minh Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-dao-nguoi-dan-quan-tam-gop-y-du-thao-sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-qua-ung-dung-vneid-17925051210162511.htm