Đông đảo người dân về thăm nơi Bác Hồ từng sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh
Căn nhà số 5 Châu Văn Liêm (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) tuy nhỏ bé, nhưng mang ý nghĩa đặc biệt khi từng là nơi ở của Bác trước khi đi tìm đường cứu nước...
Vào những ngày này, căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (phường 14, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) đang trở thành nơi thu hút đông đảo người dân ghé thăm. Dù nhỏ bé, nhưng khu di tích này mang trong mình một giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc, khi từng là nhà của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Căn nhà là một trong hai di tích lịch sử quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời của Bác.
Tầng 1 khu di tích là khu vực có bàn thờ Bác, với hai bên vách tường là nơi trưng bày những hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, và hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911…

Khu trưng bày làng quê, gia đình của Bác và các vị lãnh tụ phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở tại căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm từ tháng 9/1910 tới 4/6/1911. Đây là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán - một tổ chức kinh doanh do sĩ phu Bình Thuận thành lập năm 1906.

Khu trưng bày các cơ sở, thành viên của Liên Thành thương quán, và những nơi Bác từng hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn xưa...
Vào tháng 9/1910, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và sống tại nhà ông Lê Văn Đạt. Nhờ sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô, ông Hồ Tá Bang và ông Trần Lệ Chất, Người được bố trí sống tại căn nhà của Liên Thành thương quán ở số 1-2-3 Quai Testard (nay là số 5 Châu Văn Liêm), và được cấp giấy thông hành với tên mới là Văn Ba.

Bức ảnh căn nhà của ông Lê Văn Đạt, nơi Bác từng cư trú trong khoảng thời gian mới đặt chân đến Sài Gòn.
Trong thời gian ở tại nhà số 5 Châu Văn Liêm, Bác vừa dạy học vừa đi làm ở Trường Thọ Máy (Escole des Mécaniciens), vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống và tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn.

Bức ảnh nhà số 88/5 đại lộ Lê Lợi, nơi Bác từng đến nghe thuyết giảng. Đây cũng là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của An Nam Cộng Sản Đảng.
Nhờ sự giúp đỡ của các thành viên trong Liên Thành thương quán, vào ngày 5/6/1911, Bác lấy tên là Văn Ba, rời bến cảng Nhà Rồng và ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Treville.

Hình ảnh Amiral Latouche Treville, nơi khởi đầu cho hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.
Theo chiếc cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2, khách thăm quan sẽ được hiểu thêm về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và những hoạt động của Người tại nước ngoài.

Bản đồ về hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1911-1941. Cuộc hành trình đó đã đưa Người qua 3 đại dương, 4 châu lục là Á, Âu, Phi, Mỹ và gần 30 quốc gia.

Hình ảnh Bác trong thời gian sinh sống tại Liên bang Nga, Pháp, Trung Quốc... và những bài viết của Người trên các tờ báo, tạp chí quốc tế.
Tầng 2 cũng là nơi trưng bày những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu trở về nước, và các hoạt động tiếp nối truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình ảnh và tư liệu về những hoạt động của Bác sau 30 năm bôn ba tại nước ngoài.

Bộ đồ kaki trắng, dép nhựa, điện thoại và những kỷ vật giản dị từng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được trưng bày tại tầng 2.
Nhân dịp kỷ niệm 135 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn nhà số 5 Châu Văn Liêm càng là nơi để các thế hệ đảng viên học tập về cuộc đời của Bác. Trong số đó, có đoàn giảng viên của khoa Khoa học Cơ bản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
PGS.TS. Đặng Văn Hoài, Trưởng khoa, Phó Bí thư Chi bộ chia sẻ: "Chuyến thăm nằm trong chương trình sinh hoạt chi bộ của Khoa trong tháng 5. Qua chuyến thăm, các giảng viên đã có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và thấu hiểu rõ trách nhiệm đối với đất nước".

Đoàn giảng viên khoa Khoa học Cơ bản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chụp hình tại khu di tích.
Chị Trần Thị Quyên, nhân viên tại khu di tích chia sẻ: Do có diện tích vỏn vẹn 35m2, nên căn nhà số 5 Châu Văn Liêm chỉ có thể đón một đoàn khách đến thăm quan, và hiện đã "kín lịch". Tuy vậy, ban quản lý khu di tích và chính quyền quận 5, TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch mở rộng khu di tích sang những ngôi nhà bên cạnh, với mong muốn tái hiện chân thực nhất nơi Bác từng sinh sống.

Một bức tranh Làng Sen quê Bác làm bằng gốm sứ được trưng bày tại khu di tích.
Căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia, tại Quyết định số 1288-VH/ QĐ ngày 16/1/1988. Khu di tích hiện mở cửa miền phí cho khách thăm quan từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.