Đồng đô la đang mất dần vị thế như một tài sản trú ẩn an toàn
Đồng đô la đã trở thành nạn nhân mới nhất của tình trạng hỗn loạn của thị trường trong tuần này khi cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng tồi tệ, có nguy cơ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Chỉ số đồng đô la của Bloomberg đã giảm xuống mức thấp mới trong 6 tháng vào thứ Sáu (11/4) sau khi Trung Quốc tăng thuế đối với tất cả hàng hóa của Mỹ từ 84% lên 125% có hiệu lực từ ngày 12/4.

Chỉ số đồng đô la của Bloomberg đã giảm xuống mức thấp mới trong sáu tháng
"Niềm tin vào đồng đô la đang bị đe dọa", Christopher Wong, chiến lược gia ngoại hối tại Oversea-Chinese Banking cho biết. Ông cho biết, ngày càng có nhiều người hoài nghi về vị thế của đồng đô la như một tiền tệ dự trữ do các yếu tố bao gồm sự suy yếu của chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ và nợ công của Mỹ tăng vọt.
Phân tích Z-score đo lường mức độ giá hiện tại lệch xa so với các tiêu chuẩn lịch sử đã cho thấy tốc độ và quy mô của sự dịch chuyển sang định vị đồng đô la theo chiều hướng giảm giá không chỉ đáng kể mà còn ở mức lớn nhất từng được ghi nhận. Điều này nhấn mạnh quy mô đảo ngược tâm lý, cho thấy các nhà đầu tư đang nhanh chóng hiệu chỉnh lại các giả định đã tồn tại từ lâu về vai trò của đồng đô la như một tài sản trú ẩn và lưu trữ giá trị.
Đồng đô la cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn hai năm vào thứ Năm (10/4) trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hạ chi phí đi vay để chống lại tác động của thuế quan.
Trong khi đó, các tài sản trú ẩn khác như đồng yên Nhật, franc Thụy Sĩ và vàng đã tăng giá. Đồng euro cũng tăng lên mức mạnh nhất trong ba năm.
Hôm thứ Sáu (11/9), đồng yên tăng 1,6% lên 142,18 mỗi đô la, mức mạnh nhất kể từ tháng 9; đồng franc Thụy Sĩ tăng vọt lên tới 0,8113 mỗi đô la, mức cao nhất kể từ đầu năm 2015; trong khi vàng tăng lên mức kỷ lục mới; đồng euro tăng lên 1,1473 mỗi đô la, mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.
Triển vọng xấu đi nhanh chóng đối với nền kinh tế Mỹ là sự thay đổi lớn so với kỳ vọng trước đó rằng việc Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng sẽ mở ra kỷ nguyên thuế suất thấp hơn, tăng trưởng nhanh hơn và đồng đô la mạnh hơn. Ngoài mức thuế quan cao của Mỹ đối với Trung Quốc, thị trường còn có sự không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra sau khi lệnh tạm dừng 90 ngày đối với mức thuế quan đối ứng cao hơn đối với hàng loạt quốc gia khác kết thúc.
Rodrigo Catril, chiến lược gia tại National Australia Bank cho biết: “Trừ khi chúng ta nghĩ rằng có một số giải pháp sắp xảy ra, thì thị trường có khả năng sẽ tiếp tục đi theo con đường ít kháng cự nhất hiện tại là thoát khỏi đồng đô la… Câu chuyện thoát khỏi tài sản của Mỹ và bán đồng đô la có khả năng sẽ tiếp tục miễn là căng thẳng thương mại vẫn duy trì ở mức cao”.
Việc di cư khỏi tài sản của Mỹ cũng đang trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với biến động trên thị trường tiền tệ. Chi phí phòng hộ rủi ro biến động tỷ giá hối đoái đang tăng lên, với biến động của đồng euro đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2020 và đồng franc Thụy Sĩ đạt mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2016.