Đồng đội ơi! Chúng tôi trở về đây…
Những cái ôm siết chặt, giọt nước mắt tuôn trào, lời tâm tình không dứt... là khoảnh khắc xúc động của những nhân vật lịch sử trong cuộc hội ngộ trên vùng đất lửa Đồng Lộc do Báo Hà Tĩnh khâu nối, tổ chức.
Tháng 7, các cựu TNXP, cựu công nhân giao thông lại trở về thăm chiến trường xưa.
Những ngày tháng 7, cùng với dòng người lặng lẽ trên khắp mọi miền đất nước tìm về Ngã ba Đồng Lộc như những dòng máu đỏ tha thiết chảy về tim, bước chân của các cựu TNXP, cựu công nhân giao thông càng thêm bồi hồi, thổn thức. Nơi đây, mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất, địa danh đều thấm đẫm sự hy sinh, mất mát của đồng đội.
55 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời “rực lửa” trên cung đường huyền thoại và nỗi niềm thương nhớ những đồng đội đã ngã xuống vẫn tươi xanh trong trái tim, trong câu chuyện của những người ở lại. Trong hương khói chênh chao và những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, những tiếng gọi bạn vẫn nghẹn ngào, thổn thức. “Đồng đội ơi! Chúng tôi đã trở về đây”.
Dù sức khỏe không được tốt sau lần mổ khớp chân cách đây 6 tháng, nhưng bà Nguyễn Thị Bé (TP Vinh, Nghệ An) - thành viên tiểu đội cảm tử phá bom, Tổng đội TNXP 55 vẫn cố gắng trở về chiến trường xưa để dâng nén hương thơm cho đồng đội cũ.
Cùng chuyến xe xuất phát từ TP Vinh để về nguồn với bà còn có anh hùng Nguyễn Tri Ân, ông Nguyễn Thanh Bính (nhà thơ Yến Thanh) và bà Lê Thị Hồng - một trong 2 thành viên của Tiểu đội 4, C552 ở thời điểm ngày 24/7/1968 còn sống sót do đi lấy gỗ ở Quảng Bình để về làm hầm trú ẩn.
Niềm vui ngày hội ngộ càng trở nên đầy đủ hơn bởi sự góp mặt của các anh hùng La Thị Tám, Uông Xuân Lý; bà Lương Thị Tuệ - nguyên Tổng đội phó Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh; bà Bùi Thị Tịnh - thành viên tiểu đội cảm tử phá bom Tổng đội TNXP 55; bà Lê Thị Nhị (cô gái Thạch Kim - Thạch Nhọn trong bài thơ “Gửi em cô TNXP” của Phạm Tiến Duật)…
Họ - những chàng trai, cô gái tuổi 18 đôi mươi năm xưa nay tóc đã pha sương, gương mặt đầy nếp nhăn tuổi tác. Nhưng màu áo quân phục vẫn xanh da diết như tôn thêm niềm tự hào về mảnh đất một thời họ đã chiến đấu, đồng đội họ đã hy sinh. Nước mắt tràn mi, họ chuyện trò, tâm sự với các bạn: Tần, Cúc, Hường, Xuân, Nhỏ, Hà, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh, nhắc nhớ kỷ niệm một thời sôi nổi của tuổi trẻ.
Bà Lê Thị Hồng kể: “Tôi cùng với nhiều đồng đội khác nhận nhiệm vụ vào Quảng Bình lấy gỗ làm hầm trú ẩn, nhưng khi vừa trở về thì nhận được tin tiểu đội hy sinh hết. Tôi như chết lặng.
Trong 10 người đã ngã xuống, Xanh là người bạn ngủ chung giường, chung hầm với tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm, những gương mặt, nụ cười, giọng hát của các bạn. Thương nhớ đồng đội nên cứ mỗi dịp tháng 7, chúng tôi lại cố gắng trở về với mảnh đất này”.
Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, Ngã ba Đồng Lộc được coi là “yết hầu”, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
Nơi đây đã trở thành địa điểm diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của các lực lượng bảo đảm giao thông trên tuyến đường huyết mạch với bom đạn của kẻ thù. Khẩu hiệu: “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc” đã thắp lửa cho lời thề quyết tử của các lực lượng làm nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc trong những ngày khói lửa.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất tử địa năm nào đã hồi sinh bằng sức sống mới với những sắc màu trù phú, ấm no. Nhưng, với những TNXP, sự yên bình của Ngã ba Đồng Lộc hôm nay lại càng nhắc nhớ về một thời đạn bom khốc liệt, về những con người đã không tiếc máu xương cho độc lập - tự do của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Bé - thành viên tiểu đội cảm tử phá bom Tổng đội TNXP 55 cho biết: “Đến tận bây giờ, tôi cũng không nhớ nổi mình đã bao lần đối mặt với hiểm nguy khi phá bom nổ chậm, bao lần chứng kiến những đồng đội mãi mãi ra đi trong lúc làm nhiệm vụ. Từ những sự hy sinh, mất mát ấy, những kinh nghiệm phá bom, tránh bom mà đồng đội chia sẻ cho nhau, càng làm cho tôi thêm trưởng thành, thêm quyết tâm khi thực hiện nhiệm vụ”.
Những ngày tháng 7 rực lửa, trong muôn triệu bước chân hướng về địa chỉ đỏ Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi đã gặp ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam.
Sau cái bắt tay siết chặt và lời thăm hỏi ân cần với những anh hùng, cựu TNXP Hà Tĩnh, câu chuyện về những đóng góp, sự hy sinh của lực lượng TNXP trên những chiến trường ác liệt, trong đó có Đồng Lộc vẫn được người thủ lĩnh cựu TNXP kể mãi. Ông cũng hết sức vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay, hồi sinh ở khu di tích - nơi chính lực lượng cựu TNXP, Trung ương Đoàn chủ trì việc xây dựng từ ngày 15/7/1995.
Ông Kim chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi trở lại mảnh đất này. Đồng Lộc nay đã thay đổi quá nhiều, nơi yên nghỉ, thờ phụng các anh hùng liệt sĩ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chu đáo của người dân Hà Tĩnh và cả nước, điều đó khiến chúng tôi rất an tâm và cảm thấy ấm lòng.
Tôi và các cựu TNXP sẽ còn nhiều lần trở lại nơi này để tưởng nhớ những người đã ngã xuống, để góp phần kể mãi câu chuyện về một thời hào hùng, oanh liệt, nơi biết bao lực lượng, trong đó có TNXP đã đổi máu xương của mình cho sự bình yên hôm nay”.
Theo dòng hồi ức của những cựu binh, qua lời kể của cán bộ làm nhiệm vụ ở khu di tích, câu chuyện về sự hy sinh của 10 nữ TNXP cùng anh linh các chiến sỹ ngã xuống mảnh đất này đã làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng, bất tử.
Trở lại chiến trường xưa, những chàng trai, cô gái tuổi 18, đôi mươi năm nào nay da đã mồi, tóc đã bạc, nhưng trong mỗi người vẫn vẹn nguyên những cảm xúc lắng đọng, bồi hồi. Bởi, mỗi địa danh trên mảnh đất này đều nhắc nhớ những tháng ngày hào hùng, oanh liệt nhưng cũng nhiều mất mát, hy sinh.
Và, với chúng tôi, những phóng viên của Báo Hà Tĩnh vinh dự có mặt trong chuyến về nguồn cùng những nhân chứng lịch sử cũng đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khó quên. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc không còn là vùng “đất chết” mà chính là nơi để chúng tôi thêm yêu thiết tha, thêm tự hào về quê hương, Tổ quốc, về những con người “mãi mãi tuổi đôi mươi”, đã nằm lại với địa danh bất tử. Các anh chị luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt hôm nay.
Chúng tôi, thế hệ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã bình yên, xin gửi tấm lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/dong-doi-oi-chung-toi-tro-ve-/251711.htm