Đóng góp hàng chục tỷ USD vào giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp FDI kiến nghị gì?
Đại diện các doanh nghiệp FDI đều đồng thuận, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chuyển từ lao động chi phí thấp sang lực lượng lao động có kỹ năng cao.
Sáng 22/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ góc độ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị, ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, Intel Việt Nam là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn Intel và sản lượng sản xuất đóng góp đáng kể vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua từng năm.
Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) đóng góp đáng kể vào GDP của TP HCM, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu, và Intel là một trong những người đóng góp chính.
Trong 3 năm qua, bất chấp tác động của Covid-19, giá trị xuất khẩu hằng năm của Intel chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu SHTP. Intel đã đóng góp 75 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong 13 năm qua và đã tạo ra hơn 7.000 việc làm công nghệ cao.
"Khoản đầu tư của tập đoàn đã tăng lên 1,5 tỷ USD như một trong những hoạt động lắp ráp/thử nghiệm quan trọng tại Intel và chúng tôi mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam", Phó Chủ tịch Intel Products Việt Nam nhấn mạnh.
Năm 2006, Intel đã chọn TP HCM đặt hệ thống mạng lưới lắp ráp thử nghiệm vì một vài lý do. Đầu tiên là các nhà lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn xa và rất quan tâm tới việc lắp đặt cũng như thu hút công nghiệp công nghệ cao. Điều này cùng với tài năng sẵn có, cơ sở hạ tầng tốt, cơ chế một cửa chủ động tại SHTP và vị trí chiến lược của TP HCM tại trung tâm chuỗi cung ứng khu vực.
Đại diện Intel Products Việt Nam nhấn mạnh, là công ty công nghệ cao đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, tầm nhìn của tập đoàn về việc tạo ra một tương lai cho Intel và Việt Nam không thay đổi kể từ ngày đầu tiên và mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong hành trình dài hạn này.
Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam
Đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động
Chia sẻ thêm một số quan điểm về thúc đẩy hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản-Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới nâng cao kỹ năng người lao động tại hội nghị.
Tập đoàn Sojitz thành lập văn phòng đầu tiên tại Hà Nội kể từ năm 1986, điều hành 23 công ty liên doanh đang hoạt động tại Việt Nam, bắt đầu với kinh doanh lâm nghiệp và mở rộng sang sản xuất phân bón hóa học, phát điện, phát triển khu công nghiệp và hoạt động của các cửa hàng tiện lợi.
Gần đây nhất, Sojitz đã mua lại Tổng công ty Giấy Sài Gòn và thành lập liên doanh mới với Tập đoàn Vinamilk để giới thiệu, quản lý theo phong cách Nhật Bản trong chăn nuôi. Sự hợp tác không chỉ giới hạn trong kinh doanh thực phẩm, mà còn tiếp cận rộng hơn đối với nhiều vấn đề như năng lượng bền vững.
Ông Masayoshi Fujimoto
Đây cũng là vấn đề ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Theo ông Preben Elnef, trong nhiều năm, Việt Nam đã có một môi trường đầu tư cởi mở và ổn định. Đó là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào khi họ tiến hành đánh giá nội bộ để xác định vị trí tốt nhất để đầu tư vào châu Á Thái Bình Dương.
Bằng cách giữ ổn định hệ sinh thái này, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo được uy tín với các nhà đầu tư cũng như khẳng định vị thế dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn.
Tính minh bạch và khả năng dự đoán của môi trường kinh doanh là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nên tránh những thay đổi đột ngột trong chính sách mà không có thông báo đầy đủ hoặc các quy tắc trùng lặp để duy trì khả năng cạnh tranh và xây dựng niềm tin của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam.
Ông Preben Elnef nhấn mạnh, bằng cách này, Việt Nam sẽ giữ được khả năng cạnh tranh của mình với các nước trong khu vực và trên thế giới. Và song song với đó, tiếp tục đầu tư vào giáo dục chất lượng ở mọi lứa tuổi. Càng nhiều người được giáo dục và được đào tạo kỹ năng, đất nước sẽ càng phát triển nhanh hơn.
Mặt khác, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vì đây là xương sống của nền kinh tế. Một quốc gia có mạng lưới giao thông dày đặc và hiệu quả sẽ góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế xã hội.
Đồng quan điểm, chia sẻ tại hội nghị, ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam thông tin, Bosch hiện diện tại Việt Nam trong gần 2 thập kỷ vừa qua với cam kết ngày càng cao đối với Việt Nam. Hiện nay, tập đoàn tuyển mộ 6.000 nhân viên tại các xưởng chất lượng cao với 3 trung tâm công nghệ cao.
Về dự định sắp tới, Bosch cho biết sẽ tăng cường quy mô 6.000 nhân viên trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chất lượng cao, tính đến việc mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, logistic.
Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ khó khăn với hàng loạt những vấn đề và khủng hoảng, cạnh tranh rất cao của các quốc gia. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều tiềm ẩn cơ hội, Bosch tin rằng Việt Nam sẽ có cơ hội để nổi lên. Để đạt được điều này, đại diện tập đoàn nêu ra một số đề xuất.
Về phát triển nguồn nhân lực, tại Bosch có một khẩu hiệu, đó là con người tạo giá trị. Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tạo dựng cạnh tranh quốc gia.
"Đề nghị Chính phủ tích cực đóng vai trò đi đầu để điều phối hệ sinh thái giữa các doanh nghiệp, giới học thuật và các bên liên quan để thúc đẩy hoạt động cải thiện một cách cụ thể nguồn nhân lực cũng như cung cấp tài chính cho lĩnh vực này. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ với những kinh nghiệm của mình", Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam nhấn mạnh.
Cam kết giúp Việt Nam trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu
Vấn đề thứ hai, đại diện Bosch nhấn mạnh, Việt Nam cần tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán được. Việt Nam tham gia trụ cột thứ hai của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu và điều này sẽ ảnh hưởng đến mức thuế ưu đãi của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư. Đồng thời ảnh hưởng toàn diện đến hiệu quả của các nhà đầu tư và một ảnh hưởng đó là tính minh bạch của chính sách.
Ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam
Bosch đánh giá cao việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nhân lực chất lượng cao, đầu tư nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như quy định hạn chế về nhập khẩu thiết bị, khiến khó nhập khẩu thiết bị cho nghiên cứu phát triển. Ông Dominik Meichle nhấn mạnh, Bosch cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để giải quyết vấn đề giúp Việt Nam trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển toàn cầu.