Đóng góp tích cực của các tôn giáo với địa phương
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật thu hút hàng vạn tín đồ, như: Công giáo, đạo Phật, đạo Tin lành.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, những năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh đã nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về tôn giáo. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phục vụ công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, như: Quy định về các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh; quy định về trình tự, thủ tục xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo; quy định về trình tự, thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước xem xét việc đăng ký phong chức, bổ nhiệm, suy cử chức sắc, nhà tu hành; thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành; những người đi đào tạo tại các trường đào tạo tôn giáo và người vào tu trên địa bàn tỉnh...
Các văn bản trên đã tạo hành lang pháp lý cho các cấp chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo một cách hiệu quả. Sở Nội vụ cùng các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị của tỉnh thường xuyên tổ chức quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo cho đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức và cho đội ngũ chức sắc, tín đồ.
Các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn, các hội nghị chuyên đề về tôn giáo, về chủ trương, chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước thường xuyên được tổ chức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác cũng được quan tâm như tuyên truyền, phổ biến qua bản tin, qua phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng của tỉnh.
Các hoạt động xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở thờ tự của tôn giáo trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật đều được tạo điều kiện, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết, góp phần đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng chân chính của đồng bào có đạo.
Hoạt động của các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật. Việc tuyển chọn người đi học, việc thuyên chuyển, bổ nhiệm, phong chức, phong phẩm của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra theo đúng quy định.
Hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức và cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh được khuyến khích, đem lại hiệu quả tích cực. Việc lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để thực hiện các ý đồ phi tôn giáo trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn được các cấp chính quyền trong tỉnh kịp thời ngăn chặn và chấn chỉnh.
Các lễ hội lớn của các tổ chức tôn giáo được đăng ký hàng năm. Những lễ hội và hoạt động tôn giáo bất thường đều có xin phép và được sự chấp thuận của các cấp chính quyền. Những ngày lễ trọng của các tôn giáo, như: Phật đản, Noel... được tạo điều kiện tổ chức trang nghiêm với quy mô phù hợp, tạo niềm vui, sự phấn khởi trong đại bộ phận đồng bào có đạo.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước nên nhận thức của đa số cán bộ thay đổi tích cực; các tổ chức trong hệ thống chính trị ý thức được trách nhiệm của mình, tham gia chủ động hơn trong giải quyết các vấn đề có liên quan; sự phối hợp giữa các cơ quan về công tác tôn giáo nhịp nhàng, đồng bộ hơn, tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo đúng với quy định của pháp luật diễn ra thuận lợi, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân.
Bên cạnh những kết quả nói trên, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn những hạn chế như việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo chưa thực sự sâu, rộng; việc triển khai pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo có nơi còn bị động, lúng túng; việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ; việc hướng dẫn, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền đối với các tổ chức tôn giáo trong việc đăng ký chương trình hoạt động hằng năm theo quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào nề nếp.
Vì vậy, có lúc, có nơi, chức sắc và các tổ chức tôn giáo vẫn có những sinh hoạt tôn giáo không theo chương trình đăng ký; việc giải quyết yêu cầu của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tại một số địa phương còn chưa chủ động, kịp thời; việc nắm bắt và xử lý những vi phạm về đất đai liên quan đến tôn giáo và những vi phạm về việc xây, sửa cơ sở thờ tự của một số tổ chức tôn giáo còn thiếu kiên quyết…
Năm 2024, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tranh thủ chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo; hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tín ngưỡng diễn ra ổn định theo quy định và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái phép…
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 760 cơ sở tín ngưỡng (trong đó có 153 cơ sở đã được xếp hạng di tích), 246 cơ sở tôn giáo, 65 địa điểm sinh hoạt của 3 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành với trên 1.800 chức sắc, chức việc và trên 134 nghìn tín đồ, người tin theo.
Trong năm 2023, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh được tự do hoạt động theo quy định của pháp luật và luôn đoàn kết, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của địa phương.