Đông Hải Đại tướng quân: Vua giết, dân thờ (Phần 2)
Tự Đức giết ông, nhưng nhân dân lại thờ ông.
Đối với cuộc sống, Hoàng Phan Thái biểu hiện thái độ: "Thức mục can qua thiên dục lão/Hối đầu danh lợi thế do nhi" nghĩa là "Ngó đến can qua Trời cứ muốn làm cho ta chóng già đi/Quay nhìn lại danh lợi người đời chen nhau như trẻ nhỏ". Cách nhìn cảnh vật, cách nghĩ về thế sự, về con người của Hoàng Phan Thái quả là vượt lên, mang tầm vóc của một tướng quân, một anh hùng.
Bất mãn với
chế độ phong kiến nhà Nguyễn, lại có tấm lòng yêu nước thương dân, Hoàng Phan Thái muốn đem tài sức của mình "đạp đổ phù đồ, xoay cơn khí số". Hoàng Phan Thái muốn lật đổ cái ngai vàng của Tự Đức đang gây bao hiểm họa cho dân, cho nước, nên ông đã nhận lời mời của ông đồ Nghệ khác, ra làm quân sư cho Lê Duy Ẩn, cho Tổng Vàng. Hoàng Phan Thái đã bày cho Lê Duy Uẩn kế: Dùng kinh binh vượt bể vào Nghệ Tĩnh chiếm lấy Nghệ Tĩnh để triệt viện Xbinh của Huế. Bằng lòng, ông sẽ về Nghệ Tĩnh trước ngầm gây thế lực để làm nội ứng.
Lê Duy Uẩn và Nguyễn Thịnh theo kế của ông. Trở về nhà, ông xưng là Đông Hải Đại tướng quân để chiêu dụ nghĩa binh. Cái đích của Hoàng Phan Thái không chỉ chống triều đình Tự Đức mà chống cả thực dân Pháp đang xâm lấn đất nước ta theo cách tằm ăn lá mà triều đình nhà Nguyễn nhượng bộ. Bài hịch "Bình nhung ngũ sách" của ông thể hiện rõ nỗi căm hờn đang sôi sục: "Quân nghịch thù trời đất không dung, kẻ làm điều nhân ai cũng giết chúng được; dân ta vốn trọng cương thường, thấy điều nghĩa ai bỏ qua không phải là kẻ dũng.
Lúc đầu chúng làm nhơ bẩn cương thổ ta, cây cỏ ở nước Nam này đều coi là thù địch. Tiếp đó chúng làm bẩn đục các nguồn nước của ta, các lớp sóng ở biển Đông đều tung giận".
Vua giết, dân thờ
Cờ nghĩa vừa phất, hịch vừa phát, Tú Mai ở Đông Thái, Lê Lộc ở Trung Lễ liền đến giúp sức. Một số sĩ phu, quan lại cũng xin tham gia. Nghĩa quân đứng dưới cờ đã có đội nhất, đội nhì. Mọi việc đang tiến hành thuận tiện thì ở Thanh Hóa bắt được một người, trong túi người này có thư gửi cho Đông Hải Đại tướng quân về chuyện cơ mật. Tỉnh thần Thanh Hóa báo tin vào triều đình, triều đình báo ra Nghệ An sắc cho tổng đốc Nghệ An là Hoàng Tá Viêm đem quân lính về Đông Hải bắt Hoàng Phan Thái và giam tại nhà giam Vinh.
Ít lâu sau, triều đình nhà Nguyễn cho giết ông. Trước khi chết, ông cất tiếng sang sảng: "Ba hồi trống giục thây cha kiếp; Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời". Như còn muốn tuyên chiến với triều đại phong kiến phản động nhà Nguyễn, Hoàng Phan Thái ngang nhiên đọc tiếp: "Sống làm tướng mạnh ba phương đất/Thác xuống thần thiêng bốn phía trời".
Tuy chưa mãn nguyện với chí hướng nơi chiến trận và sớm bỏ mình vì nước vì dân, nhưng cái chết của ông hết sức oanh liệt, được nhân dân ghi nhớ. Hơn 30 năm sau Phan Bội Châu đã ca ngợi ông là người có tinh thần cách mạng, đề cao ông là cách mạng khai sơn chi tổ, tức là ông tổ mở đầu cho công cuộc chống quân quyền ở Việt Nam, vừa có xu hướng dân chủ, vừa có xu hướng dân tộc. Tự Đức giết ông, nhưng nhân dân lại thờ ông. Người dân đã lập đền thờ ngay nơi ông bị chém đầu - Quán Bàn (nay thuộc xã Nghi Phú, TP Vinh).