Đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng

Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được tiếp tục hỗ trợ về nâng cao năng suất chất lượng nhờ Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn đến năm 2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cùng với việc tiếp tục triển khai Chương trình năng suất chất lượng đến hết 2020, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng đang nỗ lực triển khai một số đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có cùng mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.

Điển hình như: Đề án “Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 139/NQ-CP và Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học và doanh nghiệp xây dựng dự thảo Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chát lượng giai đoạn đến năm 2030.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chương trình này sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cụ thể, Chương trình sẽ thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn thông tin, và trách nhiệm xã hội; Thúc đẩy phong trào năng suất quốc gia và phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Tăng cường năng lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc nắm bắt các cơ hội và tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Linh, doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất chất lượng. Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng. Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đảm bảo sự lan tỏa theo chiều rộng, hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, có những ưu tiên, đầu tư cho một số doanh nghiệp có tiềm lực, có hoạt động cải tiến tích cực để tạo ra các mô hình điểm, có tính đột phá trong việc triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng; giúp minh chứng, từ đó tạo động lực lan tỏa cho các doanh nghiệp khác trong ngành, lĩnh vực và địa phương.

Đánh giá sơ bộ về kết quả 10 năm triển khai Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, ông Linh nhấn mạnh, việc triển khai Chương trình, dự án năng suất chất lượng luôn bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đã đề ra và đến nay các mục tiêu chủ yếu của Chương trình cơ bản được đáp ứng; nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất chất lượngđã được cải thiện rõ rệt.

Các doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến giúp doanh nghiệp giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng; sắp xếp lại sản xuất, quản trị doanh nghiệp,... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh qua đó khẳng định chỗ đứng của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của nền kinh tế.

Việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Giai đoạn 2016-2019, khoảng 40,4%; và dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 40,5% (vượt chỉ tiêu đề ra của Chương trình là 35% vào năm 2020”.

Bên cạnh đó, với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và thúc đẩy áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, quản lý môi trường ISO 14001 đã góp phần cải thiện các chỉ số thành phần thuộc nhóm Chỉ số đổi mới sáng tạo GII của Việt Nam (Số chứng chỉ ISO 9001/tỷ $PPP GDP” và “Số chứng chỉ ISO 14001/tỷ $PPP GDP”).

Theo báo cáo Chỉ số sáng tạo toàn cầu GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2019, Việt Nam đạt 38,8 điểm trên thang điểm 100, đứng thứ 42 trên 129 nước, đứng thứ 3 trong khối ASEAN chỉ sau Singapore và Malaysia, tăng 3 bậc so với năm 2018 và thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

PV

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-trong-hoat-dong-nang-cao-nang-suat-chat-luong-323579.html