Đồng hành cùng người khiếm thị

Những năm qua, thông qua hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, Hội Người mù tỉnh đã giúp nhiều hội viên có việc làm và thu nhập ổn định, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Mô hình chăn nuôi của hội viên Tòng Văn Xôn, bản Pát, xã Chiềng Ngần (Thành phố).

Mô hình chăn nuôi của hội viên Tòng Văn Xôn, bản Pát, xã Chiềng Ngần (Thành phố).

Năm nay đã 54 tuổi, cũng bấy nhiêu năm, ông Tòng Văn Xôn, bản Pát, xã Chiềng Ngần (Thành phố) sống trong bóng tối. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhưng ông luôn tự động viên bản thân cố gắng khắc phục và phụ giúp vợ con việc nhà. Tham gia tổ chức Hội Người mù, năm 2018, ông được vay 10 triệu đồng để mua 2 con dê và 50 con gà. Đến nay, gia đình ông đã có 7 con dê, 4 con bò, hơn 100 con gà. Ngoài ra, ông cùng gia đình chăm sóc gần 3 ha cà phê, hơn 200 gốc mận và xoài, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng, kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định.

Còn anh Lò Văn Minh, tổ 14, phường Quyết Thắng (Thành phố) không bị khiếm thị bẩm sinh như ông Tòng Văn Xôn, mà do biến chứng của bệnh tật. Năm 2004, là cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, anh Minh phát hiện bệnh u não, sau 2 lần phẫu thuật, bị mất hoàn toàn thị lực. Nhớ lại thời điểm đó, anh Minh bảo: Thời gian đầu tôi chán nản, tự ti, mặc cảm, nhưng được gia đình, Hội Người mù động viên, đã giúp tôi lấy lại niềm tin, vượt lên hoàn cảnh để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Tham gia tổ chức Hội, tôi được đào tạo nghề xoa bóp tẩm quất cổ truyền, bây giờ tôi đã mở được cơ sở riêng, có nguồn thu trên 10 triệu đồng mỗi tháng.

Đây chỉ là hai trong số hàng chục tấm gương người khiếm thị vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Đồng hành cùng hội viên, những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” do Trung ương Hội Người mù phát động. Hội có 645 hội viên, trong đó nhiều hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội, đã có 76 lượt hội viên được vay vốn phát triển kinh tế, với số vốn quay vòng 330 triệu đồng. Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và không có nợ xấu, nợ quá hạn.

Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp tổ chức các khóa đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng xoa bóp, bấm huyệt, tẩm quất cổ truyền cho hội viên. Ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, một số hội viên đã mở cơ sở riêng, vừa tăng thêm thu nhập cho bản thân vừa tạo việc làm cho những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn. Hội đang duy trì hoạt động 18 cơ sở xoa bóp tẩm quất cổ truyền do hội viên người mù làm chủ, tạo việc làm ổn định cho 40 hội viên, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hội còn giới thiệu 40 hội viên hành nghề tẩm quất cổ truyền ở Hà Nội, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... bên cạnh đó, hoạt động sản xuất chổi chít và tăm giang cũng được duy trì. Từ năm 2020 đến nay, Hội đã sản xuất và tiêu thụ 600 chiếc chổi, 170.000 gói tăm, tổng doanh thu 500 triệu đồng.

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế cho hội viên, Hội còn thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên vươn lên trong cuộc sống. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Hội đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm tổ Chức chương trình “Xuân ấm yêu thương vì hạnh phúc người mù”, đã tặng 447 suất quà, tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng 2 nhà “Đại đoàn kết” trị giá 100 triệu đồng/nhà cho hội viên Tòng Thị Biên, xã Mường Lựm (Yên Châu) và hội viên Cà Văn Hà, xã Muổi Nọi (Thuận Châu).

Thời gian tới, Hội Người mù tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức hội; đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút nguồn tài trợ; nắm bắt tình hình thực tế của gia đình hội viên, từ đó đề ra các giải pháp tạo việc làm giúp hội viên từng bước ổn định cuộc sống.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dong-hanh-cung-nguoi-khiem-thi-39191