Đồng hồ đá ở Bạc Liêu

Đồng hồ đá khi chưa xuống cấp. Trong ảnh: Bóng nắng tạo thành vạch trên bề mặt có đánh số La Mã ứng với con số chỉ giờ. Ảnh: Internet

Theo chân đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên đi thực tế ở Nam Bộ, đến tỉnh Bạc Liêu, tôi được tận mắt nhìn thấy chiếc đồng hồ đá được lưu giữ tại đây. Đây là chiếc đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam và là chiếc thứ hai trên thế giới, sau chiếc đồng hồ thái dương tương tự ở Anh Quốc. Đồng hồ đá này được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đồng hồ đá, còn gọi là đồng hồ thái dương hay đồng hồ mặt trời, đã tồn tại trên 100 năm. Đồng hồ đá tính giờ bằng ánh sáng mặt trời, được xây bằng gạch và xi măng. Đồng hồ cao 0,7m, rộng 1,2m, giữa mặt đồng hồ là hình trụ chữ nhật nhô cao, chia mặt đồng hồ thành hai phần, mỗi phần là một hình vuông cạnh 0,5m. Phần bên trái ghi các chữ số La Mã từ I-VI, phần bên phải ghi các chữ số La Mã từ VII-XII. Bề mặt chiếc đồng hồ có màu vàng nâu, bong tróc theo năm tháng. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào, gờ của hình trụ chữ nhật tạo thành vệt mờ, giữa vùng sáng và tối tạo ra tia sáng như cây kim đồng hồ chỉ vào các số La Mã với số giờ tương ứng, chỉ với sai số từ 2-5 phút so với đồng hồ điện tử. Tuy nhiên, vào các ngày trời mưa hoặc âm u, chiếc đồng hồ không còn tác dụng.

Chiếc đồng hồ này do nhà bác vật (chỉ kỹ sư công chánh) Văn Lang (1880-1969) thiết kế và xây dựng vào đầu thế kỷ XX, tặng ngài tỉnh trưởng Bạc Liêu để bày tỏ cảm kích về sự đối đãi ân cần, trọng thị, của ngài tỉnh trưởng đối với ông. Đồng hồ được đặt trong khuôn viên dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu, bên đường 30/4, đối diện với trụ sở Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu.

Bác vật Văn Lang tốt nghiệp loại ưu tại Trường đào tạo kỹ sư bá nghệ École Centrale Paris của Pháp và là kỹ sư người bản xứ đầu tiên ở Đông Dương. Ông là một nhân tài, một trí thức yêu nước, yêu dân, dành cuộc đời mình phụng sự quốc gia. Khi người Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông được mời tham gia giúp chính phủ “Nam kỳ quốc” nhưng ông từ chối và nói câu nói nổi tiếng thời đó: “Tôi đã quá già để làm đầy tớ!”.

Hồi ấy những ông thông, ông phán (tên gọi các chức danh thời Pháp thuộc) nhìn giờ trên đồng hồ đá để vào trình giấy tờ cho tỉnh trưởng.

Ông Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương đang tìm người có chuyên môn và khéo tay để đắp lại các vết bong tróc, các chữ số La Mã trên mặt đồng hồ, cố gắng gìn giữ chiếc đồng hồ cho mai sau.

PHÙNG HI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300062/dong-ho-da-o-bac-lieu.html