Đồng Hỷ nâng cao giá trị cây chè

Với hơn 3.900ha, Đồng Hỷ là địa phương có diện tích chè đứng thứ 3 của tỉnh (sau Đại Từ và Phú Lương). Xác định chè là cây trồng chủ lực, những năm qua huyện tập trung thực hiện các giải pháp của kế hoạch phát triển chè và các sản phẩm trà trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cây trồng này.

Người dân xóm Na Long, xã Hóa Trung, thu hái chè VietGAP.

Người dân xóm Na Long, xã Hóa Trung, thu hái chè VietGAP.

Cây chè được tập trung phát triển tại các vùng trọng điểm sản xuất của huyện Đồng Hỷ gồm: Minh Lập, Khe Mo, Văn Hán, Hòa Bình và thị trấn Sông Cầu. Trong đó, 65% diện tích sản xuất tập trung được áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè đạt 4.100ha, trong đó trên 80% diện tích sản xuất tập trung áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ; 70% sản phẩm chè do doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoặc liên kết doanh nghiệp, HTX với nông hộ, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có thương hiệu riêng...

Để hoàn thành mục tiêu này, ông Hà Quang Trọng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, thông tin: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương và đơn vị chuyên môn triển khai các chương trình phát triển cây chè; đề án phát triển cây trồng chủ lực; chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư nhằm thu hút nguồn lực, đa dạng hóa thành phần kinh tế tham gia trồng và chế biến chè.

Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra và hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng sản xuất chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tăng cường biện pháp thâm canh đối với diện tích chè kinh doanh và chè trồng mới... Qua đó đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, Đồng Hỷ đã trồng mới, trồng lại 320,6ha chè, nâng tỷ lệ diện tích giống chè mới hiện nay chiếm 82% (tăng 2% so với kế hoạch tới năm 2025). Tính đến tháng 7-2024, diện tích chè toàn huyện là 3.921ha (đạt 99,5% so với kế hoạch, tăng 65ha so với năm 2020).

Bước đầu, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống LDP1, TRI 777, Long Vân...) tại các xã Minh Lập, Văn Hán, Khe Mo, Hòa Bình, Văn Lăng, thị trấn Sông Cầu. Đến nay, tổng diện tích chè tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của huyện là 2.400ha (tăng 700ha so với năm 2020).

HTX chè Văn Hán đã xây dựng thành công sản phẩm chè đạt OCOP 4 sao.

HTX chè Văn Hán đã xây dựng thành công sản phẩm chè đạt OCOP 4 sao.

Thực hiện mục tiêu liên kết doanh nghiệp, HTX với nông hộ, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn có thương hiệu riêng, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích các địa phương, nông hộ liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn đã có 27 HTX, tổ hợp tác sản xuất chè được thành lập (đạt 270% kế hoạch).

Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 27 sản phẩm chè đạt OCOP, trong đó riêng 3 năm (2021-2023) có 16 sản phẩm được công nhận. Các HTX này đã góp phần xây dựng sản phẩm chủ lực mang thương hiệu địa phương, nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè...

Chị Dương Thị Chang, Giám đốc HTX Chè Văn Hán, chia sẻ: Từ việc xây dựng thành công sản phẩm đạt OCOP 4 sao vào năm 2021, sản phẩm của chúng tôi đã dần chiếm được niềm tin của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện, HTX có 8 dòng sản phẩm với giá bán 250-500 nghìn đồng; mỗi tháng xuất bán khoảng 1 tấn chè búp khô. HTX đang hoạt động ổn định với 8 thành viên và 30 hộ dân liên kết.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tính đến cuối năm 2023, năng suất chè búp tươi của huyện Đồng Hỷ bình quân đạt 12,1 tấn/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 45.353 tấn (tăng 3.521 tấn so với năm 2020), đưa huyện Đồng Hỷ đứng thứ 3 toàn tỉnh về cả diện tích và sản lượng chè.

Trung bình, sản phẩm chè búp khô trên địa bàn huyện có giá 180-200 nghìn đồng/kg; một số sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ giá trung bình từ 300-400 nghìn đồng/kg chè búp khô. Giá trị thu nhập từ sản xuất chè đạt 290-300 triệu đồng/ha/năm (tăng 40-70 triệu đồng/ha/năm so năm 2020).

Ngọc Ánh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/dong-hy-nang-cao-gia-tri-cay-che-4e929a1/