Đồng loạt khánh thành 4 dự án giao thông quan trọng

Bộ GTVT vừa có thông tin chính thức về việc đồng loạt hoàn thành, đưa vào khai thác 4 dự án giao thông trọng điểm những ngày cuối cùng của năm 2023. Đây là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên cùng thời điểm, Bộ GTVT và các Chủ đầu tư tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác đồng thời nhiều dự án của các lĩnh vực khác nhau bao gồm: 1 cảng hàng không, 2 tuyến cao tốc và 1 cầu dây văng quy mô lớn.

Để hoàn thành các dự án, hàng nghìn tư vấn, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã nỗ lực thi công bất kể ngày đêm, làm việc xuyên các kỳ nghỉ lễ, ăn công trường, ngủ công trường để công trình đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt nhất. Ảnh: VGP

Để hoàn thành các dự án, hàng nghìn tư vấn, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã nỗ lực thi công bất kể ngày đêm, làm việc xuyên các kỳ nghỉ lễ, ăn công trường, ngủ công trường để công trình đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt nhất. Ảnh: VGP

Theo kế hoạch, ngày mai (24/12), được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Tiền Giang và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Lễ khánh thành 4 Dự án theo hình thức truyền hình trực tuyến.

Gồm: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (tại điểm cầu chính tỉnh Điện Biên), Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ), Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long), Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu (tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang).

Với vai trò là sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, sau khi sân bay Điện Biên hoàn thành, tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực. Ảnh: VNA

Với vai trò là sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, sau khi sân bay Điện Biên hoàn thành, tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực. Ảnh: VNA

Sân bay Điện Biên lần đầu tiên đón máy bay cỡ lớn

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, là một trong những công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV.

Dự án gồm các hạng mục đường cất/hạ cánh 35-17kích thước 2.400mx45m, sân quay 2 đầu, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Công suất khai thác nhà ga hành khách 500.000 khách/năm.

Ngày 2/12 vừa qua, hai chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Vietnam Airlines (Hà Nội - Điện Biên) và Vietjet Air (TP.HCM - Điện Biên) với loại tàu bay A321 đã lần lượt đáp xuống sân bay Điện Biên, đánh dấu hoạt động trở lại của sân bay này sau một thời gian nâng cấp, mở rộng.

Việc đưa các dòng máy bay cỡ lớn vào khai thác đã rút ngắn được thời gian di chuyển của hành khách so với trước đây, như đường bay Hà Nội - Điện Biên chỉ mất khoảng 35 phút (dòng máy bay ATR72 khoảng gần 60 phút); hay đường bay kết nối TPHCM chỉ còn hơn 2 giờ bay thẳng.

Với vai trò là sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, sau khi sân bay Điện Biên hoàn thành, tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước ASEAN đã thống nhất.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thông tin, sân bay Điện Biên được khánh thành đưa vào khai thác có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Điện Biên cũng như cả vùng Tây Bắc khi rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Điện Biên bằng đường bộ là khoảng 10 tiếng xuống khoảng 1 tiếng khi đi bằng đường hàng không.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc đầu tiên trên cả nước được giao cho Ban Quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Ảnh: Báo GT

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc đầu tiên trên cả nước được giao cho Ban Quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Ảnh: Báo GT

Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kéo Thủ đô gần lại

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài toàn tuyến 40,2km (đi qua tỉnh Tuyên Quang dài 11,63km, tỉnh Phú Thọ 28,57km), tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng với 4 làn xe, vận tốc 120km/h.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, được khởi công đầu năm 2021, dự kiến thông xe ngày 24/12, sớm khoảng 2 năm so với kế hoạch.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc đầu tiên trên cả nước được giao cho Ban Quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, việc khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông.

"Giờ đây, thời gian về Hà Nội chỉ mất 1,5 giờ. Đây là niềm mong mỏi của chính quyền và nhân dân Tuyên Quang nhiều năm nay. Tỉnh kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ đến với Tuyên Quang và Phú Thọ ngày một nhiều hơn", ông Sơn chia sẻ.

Nói thêm về quá trình thực hiện dự án, ông Hà Văn Sáng, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (chủ đầu tư) cho biết: Dự án bắt đầu thi công từ tháng 8/2021. Quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đến tháng 10/2023, sau 26 tháng thi công, khối lượng còn lại rất lớn.

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, sự quyết tâm của UBND tỉnh Tuyên Quang cùng nhà thầu thi công, chủ đầu tư dự án đã phát động thi đua "78 ngày đêm vượt nắng, thắng mưa", các đơn vị đã tập trung đầy đủ thiết bị, bổ sung nhân lực tổ chức "3 ca, 4 kíp" thi công xuyên đêm, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình.

Anh Bùi Tiến Sỹ, chỉ huy trưởng công trình cho biết, trong hơn 1 tháng qua, đơn vị đã dồn toàn lực để triển khai, không một phút ngơi nghỉ. Xác định thời điểm "nước rút", các đơn vị đã huy động hàng trăm máy móc, phương tiện và tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch.

Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ trước ngày khánh thành. Ảnh: Báo GT

Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ trước ngày khánh thành. Ảnh: Báo GT

Cao tốc Mỹ Thuận- Cầu Thơ: Mảnh ghép đặc biệt của cao tốc Bắc-Nam

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 1/2021.

Dự án có điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Điểm cuối tạm thời kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu, trong tương lai sẽ tiếp nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Giai đoạn 1, dự án được thiết kế với quy mô bốn làn xe, vận tốc 80km/h.

Tuyến cao tốc này cùng với cầu Mỹ Thuận 2 khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn hơn 50km quãng đường di chuyển từ Cần Thơ - TP.HCM.

Sau gần ba năm thi công, tuyến cao tốc với bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h sẽ chính thức khánh thành, đáp ứng sự mong mỏi của hàng triệu người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Khởi công từ tháng 1/2021, trong quá trình triển khai thi công, dự án liên tiếp gặp nhiều khó khăn khách quan liên quan đến mặt bằng, thời tiết, dịch COVID-19, vận chuyển vật liệu khó khăn. Cùng đó, gần 23km tuyến đều phải xử lý nền đất yếu, xử lý gia tải trong thời gian từ 12-14 tháng.

Khó khăn bủa vây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thi công, nhiều nhà thầu liên tục bị chậm tiến độ. Cho đến tháng 5/2023 tuyến đường mới đủ điều kiện để dỡ tải, bắt đầu thi công trở lại.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "vượt lên chính mình" cũng như các chuyến kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đốc thúc tiến độ dự án của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, phong trào thi đua "120 ngày đêm đưa cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ về đích" được phát động. Hạn định 31/12/2023 được rút ngắn đến ngày 22/12/2023 là phải hoàn thành tất cả các hạng mục để đến ngày 24/12/2023 khánh thành tuyến.

Ngay sau đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) cùng các nhà thầu đã huy động một lượng thiết bị khổng lồ, cùng hàng nghìn kỹ sư, công nhân thi công 3 ca 4 kíp, tranh thủ thời gian, tận dụng thời tiết thuận lợi phấn đấu hoàn thành theo tiến độ đã đề ra.

Tuyến cao tốc này cũng đáp ứng sự mong mỏi của các tài xế khi nếu như trước đây lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn đường từ TPHCM về Cần Thơ mất 4 giờ. Khi có cao tốc, đoạn đường rút ngắn chỉ còn khoảng 2,5 giờ.

Cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công. Ảnh VGP

Cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công. Ảnh VGP

Cầu dây văng "made in Việt Nam" đầu tiên

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền dài 6,61km, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Tuyến này cũng đồng thời nối thông trục đường cao tốc dài 120km từ TP.HCM về thủ phủ miền Tây, tiết kiệm một nửa thời gian di chuyển so với trước đây.

Dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2020. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ kết nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ mà còn kéo liền khoảng cách giữa TP.HCM và Cần Thơ. Từ đó, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cả nước nói riêng. Đồng thời giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1 hiện đang quá tải.

Đây là cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công.

Các kỹ sư làm việc tại dự án chia sẻ, trong quá trình thi công, anh em đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, phải kể đến công tác thi công hệ móng cọc của cầu chính với 52 cọc khoan nhồi, chiều sâu lên đến 115m.

Vượt qua thử thách, đội ngũ gồm hàng trăm tư vấn, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã nỗ lực thi công bất kể ngày đêm, làm việc xuyên các kỳ nghỉ lễ để công trình hợp long sớm hơn so với kế hoạch một tháng.

Hàng trăm tư vấn, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã nỗ lực thi công bất kể ngày đêm, làm việc xuyên các kỳ nghỉ lễ. Ảnh: VGP

Hàng trăm tư vấn, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã nỗ lực thi công bất kể ngày đêm, làm việc xuyên các kỳ nghỉ lễ. Ảnh: VGP

Với dự án cầu Mỹ Thuận 2, những nhà thầu Việt Nam đã khẳng định làm chủ công nghệ thi công cầu dây văng, là tiền đề để tiếp tục khẳng định trên những dự án khác như Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi...

Suốt 3 năm triển khai dự án cũng là quãng thời gian hàng nghìn công nhân, cán bộ kỹ sư, quản lý ăn ngủ luôn trên công trường. Có những giai đoạn dịch COVID-19 phức tạp, dự án cầu Mỹ Thuận 2 vẫn đóng cửa thi công bình thường để đảm bảo tiến độ.

Như vậy, thay vì cảnh ùn tắc trên cầu Mỹ Thuận hướng từ TPHCM về Cần Thơ và sau Tết như mọi năm thì Tết Nguyên đán năm nay người dân sẽ được di chuyển thuận lợi, thông thoáng hơn trên cây cầu dây văng "made in Việt Nam" đầu tiên của đất nước.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/dong-loat-khanh-thanh-4-du-an-giao-thong-quan-trong-vao-ngay-mai-102231223193511671.htm