Đồng loạt triển khai tiết học về kỹ năng an toàn cháy, nổ trong học đường ngày khai giảng
Trong ngày đầu khai giảng năm học 2024-2025, cùng với không khí tưng bừng đón chào năm học mới của thày và trò trên địa bàn thành phố, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội đồng loạt triển khai tiết học về kỹ năng an toàn cháy, nổ trong học đường.
Hào hứng với “tiết” học kỹ năng sinh tồn trong hỏa hoạn
Ghi nhận tại trường Trung học cơ sở Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, báo cáo viên, Đại úy Nghiêm Xuân Bách, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình “đứng lớp” cùng cô giáo chủ nhiệm và các học sinh. Một không khí hào hứng trao đổi, tìm hiểu, hướng dẫn với những kiến thức cơ bản, nhận diện, làm quen với hình ảnh lính cứu hỏa, phương tiện chữa cháy và những hiểu biết của học sinh đối với công tác an toàn cháy, nổ trong gia đình. Qua đó góp thêm hành trang, kiến thức phòng tránh tai nạn, thương vong do hỏa hoạn cho học sinh, nhà trường, để đảm bảo an toàn cho chính mình trong quá trình học tập, sinh hoạt.
Theo Thượng tá Hoàng Hà Trung, Phó trưởng CAQ Ba Đình, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Công an TP Hà Nội và UBND quận Ba Đình về việc triển khai bộ tài liệu tập huấn, hướng dẫn kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố, trong dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, CAQ Ba Đình đã tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn Hiệu trưởng nhà trường triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ; đặc biệt đưa nội dung trang bị kỹ năng cho học sinh vào đầu giờ học để các học sinh hiểu được những nguy hiểm về hỏa hoạn, có kỹ năng phòng chống tai nạn thương vong khi không may có sự cố cháy xảy ra”.
Qua đánh giá thực tế hiện nay, cơ sở giáo dục (trường học, trung tâm giáo dục) là một trong số cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao và ở mức độ nghiêm trọng. Đây là khu vực tập trung đông người, nhiều khu vực tập trung trang thiết bị dễ cháy như: bếp ăn, nhà để xe, thiết bị phục vụ học tập (máy chiếu, máy vi tính…). Đặc biệt, loại hình cơ sở này chủ yếu là học sinh, sinh viên chưa có kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, tâm lý dễ hoảng loạn khi xảy ra cháy. Do vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về phòng ngừa cháy, nổ, thoát nạn an toàn là quan trọng.
Ngày 11-5-2022, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư số 06 về việc đưa nội dung hướng dẫn, trang bị kỹ năng thoát nạn, an toàn phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên và cơ sở giáo dục. Theo đó, căn cứ vào hướng dẫn của CATP, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, UBND các quận, huyện yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an quận, huyện triển khai cho 100% học sinh trên địa bàn kỹ năng an toàn cháy, nổ bằng cách lồng ghép vào các bài giảng chính khóa.
Trong buổi khai giảng năm học mới tại quận Hoàng Mai sáng 5-9, mở đầu nội dung triển khai bộ tài liệu tập huấn, hướng dẫn kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh các cấp học trên địa bàn quận, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trình chiếu phóng sự “Để không còn nỗi đau do hỏa hoạn” để học sinh nhận biết sự nguy hiểm của hỏa hoạn. Đồng thời CBCS tập huấn, hướng dẫn kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh các cấp học trên địa bàn quận.
Thiếu tá Vũ Văn Sơn - Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Hoàng Mai cho biết, Công an quận đã xây dựng kế hoạch triển khai đến 95 trường và gần 109.000 học sinh trong dịp đầu năm học. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phấn đấu để không còn nỗi đau do hỏa hoạn bắt đầu tư công tác tuyên truyền cho học sinh các cấp.
“Việc triển khai bộ tài liệu trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho học sinh trong nhà trường được thực hiện trong suốt năm học và báo cáo kết quả các đợt vào giữa và cuối năm 2025. Hiện nay, 14 phường trên địa bàn đã triển khai kế hoạch của UBND quận và Phòng Giáo dục đào tạo đã cử cán bộ kiểm tra, đôn đốc”- Thiếu tá Vũ Văn Sơn cho biết.
Tầm quan trọng của chủ động phòng, ngừa cháy, nổ
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong nhà trường là một trong những công tác rất quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản Nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội. Thời gian gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Cháy nổ không chỉ để lại những nỗi đau cho bản thân người bị nạn, mà còn gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến những hệ lụy to lớn...
Hiểu được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP đã luôn chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và đào tạo về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục.
Trong đó, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH tại các cơ sở giáo dục, chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng bậc đào tạo, đối tượng và độ tuổi học sinh, sinh viên.
Đối với giáo dục mầm non, hình thức tuyên truyền chủ yếu sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua các chương trình trải nghiệm như “Tham quan và trải nghiệm học làm lính cứu hỏa”, “Lính cứu hỏa tí hon”,...tại trung tâm văn hóa quận Thanh Xuân, Hà Nội. Qua đó, học sinh, trẻ nhỏ nhận biết được về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số vật dụng có thể gây cháy, nổ; biết cách phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố có thể gây cháy, nổ; nhận biết các tín hiệu, phương tiện báo cháy và có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy.
Đối với giáo dục tiểu học, phổ thông và giáo dục thường xuyên, thực hiện tuyên tuyền lồng ghép trong các chương trình giáo dục kỹ năng sống, hoạt động sinh hoạt hè hoặc tổ chức chương trình sinh hoạt như: “Học làm chiến sỹ Công an”; “Chương trình hoạt động ngoại khóa”... Qua đó, học sinh biết được các kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ; kỹ năng xử lý dập tắt đám cháy với các phương tiện chữa cháy ban đầu; biện pháp sơ cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp; biện pháp phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường.
Thời gian tới, Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng về PCCC và CNCH. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại cơ sở, đặc biệt là việc xây dựng phương án phòng ngừa, bảo đảm an toàn PCCC, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy trong môi trường giáo dục.