Động lực để phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh được tiếp thêm sinh khí mới từ Dự án 6 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch'.

Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Từ nguồn vốn của dự án này, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp 1 bộ chiêng Arap.

Anh Ksor Mang-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Rtô-cho biết: Sau khi được tặng bộ chiêng, anh cùng với những người già đã truyền dạy cho thế hệ trẻ nhiều bài chiêng cổ, khôi phục giá trị truyền thống gắn với cồng chiêng.

Nghệ nhân Ưu tú Alip truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: M.C

Nghệ nhân Ưu tú Alip truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ảnh: M.C

Nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai vốn “trắng” cồng chiêng cũng được tiếp thêm động lực để khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa từ Dự án 6. Năm 2023, có 18 bộ cồng chiêng truyền thống và chiêng cải tiến được trao tặng cho các làng DTTS và câu lạc bộ nhằm khuyến khích cộng đồng Bahnar, Jrai gìn giữ, sáng tạo các giá trị của di sản cồng chiêng.

Bên cạnh đó, những “báu vật nhân văn sống” của cộng đồng cũng được khích lệ để trao truyền tri thức quý về văn hóa. Năm 2023, tỉnh có 4 nghệ nhân ưu tú (2 người Bahnar, 2 Jrai) được nhận mức hỗ trợ 52 triệu đồng/người từ dự án này. Đây vừa là sự tôn vinh các nghệ nhân ưu tú trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng, vừa khuyến khích họ có thêm nhiều hoạt động sáng tạo trong việc trao truyền văn hóa cho thế hệ kế cận.

Nghệ nhân chỉnh chiêng Alip (làng Groi Wêt, xã Glar, huyện Đak Đoa) là 1 trong 4 người được nhận hỗ trợ. Ông không chỉ trao truyền tri thức về chỉnh chiêng mà mở nhiều lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh-thiếu niên. Bên cạnh đó, ông còn dành tâm huyết trao truyền cho thế hệ trẻ cách tìm nguyên liệu, chế tác, chơi những bản nhạc truyền thống trên dàn chiêng tre-loại nhạc cụ cổ truyền của người Bahnar bên cạnh những bộ cồng chiêng kỳ vĩ làm từ kim loại.

Sự hỗ trợ này cũng tạo động lực cho các nghệ nhân nỗ lực hơn nữa trong trao truyền di sản văn hóa. Tiêu biểu như Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã biến ngôi nhà sàn của mình thành nơi dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Quả ngọt từ sự trao truyền di sản này thấy rõ qua nhiều sự kiện văn hóa. Mới đây nhất, đoàn nghệ nhân trẻ của xã Ia Dêr xuất sắc giành giải A toàn đoàn tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ dân tộc toàn tỉnh.

Trước đó, cũng chính đoàn nghệ nhân Jrai này đã có màn “chào sân” ấn tượng trong số đầu tiên của chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Nghệ nhân Rơ Châm Tih không chỉ truyền dạy tri thức về âm nhạc dân tộc mà còn truyền đi tinh thần, sự nhiệt huyết và tình yêu với văn hóa cho thế hệ trẻ.

Năm 2024, từ nguồn vốn của Dự án 6, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai hỗ trợ 5 nghệ nhân ưu tú người DTTS lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy cho người kế cận.

Những “báu vật nhân văn sống” đã tham gia truyền dạy 50 học viên là người Bahnar, Jrai trong tỉnh các loại hình như: đan lát, dệt vải, hát dân ca, tạc tượng… Nếu ví các nghệ nhân như những “bảo tàng chứa đầy sách quý” thì việc hỗ trợ họ trao truyền di sản văn hóa như mở thêm những cánh cửa để nhiều người tiếp cận những tri thức quý giá.

Đoàn nghệ nhân xã Ia Dêr, huyện ia Grai tham gia số đầu tiên của chương trình "Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển". Ảnh: Minh Châu

Đoàn nghệ nhân xã Ia Dêr, huyện ia Grai tham gia số đầu tiên của chương trình "Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển". Ảnh: Minh Châu

Sau 3 năm thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình tạo được dấu ấn riêng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và mong muốn của người dân.

Trong đó, nổi bật là chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và Trải nghiệm” và “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển”. Các chương trình không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án mà còn mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo cho bức tranh du lịch địa phương.

Ngoài ra, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch còn triển khai nhiều hoạt động như bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương; khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Hỗ trợ nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến, truyền dạy văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các làng vùng đồng bào DTTS. Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, các điểm du lịch tại vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, khảo sát tiềm năng, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế từ tài nguyên văn hóa.

Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Mục tiêu của Dự án 6 là bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Do đó, chúng tôi tập trung nguồn lực của dự án cho cộng đồng các DTTS. Từ sự “trợ lực” này, chủ nhân văn hóa tiếp tục bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc theo hướng tự nhiên và bền vững.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dong-luc-de-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-post287916.html