Động lực giúp cô giáo Ma Thị Thúy gắn bó với Điểm trường Phiêng Sáp

Cô giáo Ma Thị Thúy công tác tại Điểm trường mầm non Phiêng Sáp, Trường Mầm non Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) luôn yêu thương trẻ như những đứa con của mình.

Theo chia sẻ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), công tác giáo dục của địa phương đang ngày càng khởi sắc, nâng cao về chất lượng. Để có được những kết quả như vậy, có sự đóng góp của những thầy cô giáo không quản ngại khó khăn, vất vả, hy sinh thầm lặng để cho con chữ được "nảy mầm", "sinh sôi" nơi mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Qua sự giới thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu, chúng tôi được biết đến một trong những thầy cô như thế. Đó là cô giáo Ma Thị Thúy (sinh năm 1993) - đang giảng dạy tại Điểm trường Phiêng Sáp – Trường Mầm non Đồng Tâm (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh), chúng tôi phải đi những con dốc, khúc cua ngoằn ngoèo.

Cách trường chừng vài trăm mét, chúng tôi dễ dàng nghe thấy tiếng hát véo von của cô và trò, tiếng đọc chữ trong trẻo và cả tiếng khóc thút thít của những cô bé, cậu bé khi phải rời xa vòng tay của bố mẹ.

 Cô giáo Ma Thị Thúy giáo viên Điểm trường mầm non Phiêng Sáp, Trường Mầm non Đồng Tâm (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Ảnh: LA

Cô giáo Ma Thị Thúy giáo viên Điểm trường mầm non Phiêng Sáp, Trường Mầm non Đồng Tâm (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Ảnh: LA

Theo lời kể của cô giáo Ma Thị Thúy, cô sinh ra và lớn lên ở thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu). Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (tỉnh Vĩnh Phúc), năm 2015 cô giáo trẻ Ma Thị Thúy tình nguyện về dạy học tại xã Đồng Tâm của huyện vùng cao biên giới Bình Liêu. Đến nay, cô giáo Thúy đã có 2 năm gắn bó với điểm trường Phiêng Sáp.

Điểm trường Phiêng Sáp chỉ có 2 phòng học. Lớp của cô giáo Thúy có 23 học sinh đều là người dân tộc Dao.

Bằng tình yêu từ trái tim của người giáo viên trẻ, cô giáo Thúy luôn dành những ánh mắt trìu mến, cử chỉ ân cần, hành động âu yếm cho “đàn con thơ” của mình khi bón từng thìa cơm, ngụm nước, dạy hát cho trẻ.

Vừa bón cơm, vừa dạy trẻ tự xúc ăn, cô Thúy chia sẻ: “Những lúc như thế này, tôi thấy giống như đang chăm chút cho chính những đứa con của mình.

Giáo viên vùng cao không chỉ làm tốt trách nhiệm giảng dạy, mà còn kiêm nhiệm vô số công việc. Từ nấu ăn, quán xuyến, đến chăm sóc, giáo dục học sinh”.

Hằng ngày gần gũi với trẻ em người dân tộc thiểu số, cô Thúy luôn hiểu được những khó khăn của các em.

Hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp, cuộc sống gia đình còn vất vả, đường đi học xa xôi, trắc trở... là những điều ngăn cản cơ hội học tập của trẻ em ở nơi này.

Chính vì điều ấy, người giáo viên vùng cao - cô Ma Thị Thúy luôn dành nhiều thời gian cho học sinh của mình.

Bên cạnh việc chăm sóc, dạy học kiến thức trên lớp, cô giáo Thúy còn dạy kỹ năng sống, biểu diễn văn nghệ để nâng cao khả năng tự tin cho các em.

“Đường xa, mưa gió, hay những rào cản về ngôn ngữ không bao giờ khiến tôi cảm thấy khó khăn. Khó khăn nhất là tìm sự thông cảm, gắn kết với các gia đình để thuyết phục phụ huynh cho con em đi học.

Vì thế, ngay từ những ngày đầu về nhận nhiệm vụ cho tới nay, tôi luôn nỗ lực, tìm mọi cách vận động để các gia đình đồng thuận đưa con em đến trường.

Được nhìn thấy học sinh mỗi ngày vui vẻ, tung tăng đến trường là niềm hạnh phúc của người giáo viên như chúng tôi.

Động lực lớn nhất để tôi cũng như nhiều giáo viên vùng cao khác lựa chọn cống hiến cho nơi đây là vì tương lai của trẻ em.

Các em được đi học, phần nào được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các em vẫn cố gắng đi học đều, ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô” - cô giáo Thúy chia sẻ.

Sự cố gắng, nỗ lực cống hiến bằng tình yêu nghề, nhiều năm liền cô giáo Ma Thị Thúy vinh dự đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, nhận được khen thưởng của các cấp.

Cô giáo Thúy luôn tâm niệm rằng, những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của trẻ thơ và niềm vui của các bậc phụ huynh vào giờ đón trẻ chính là động lực để những thầy cô tiếp tục cống hiến cho vùng cao.

Đây cũng là động lực để cô Thúy và nhiều thầy cô giáo ở vùng cao ở Quảng Ninh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, miệt mài bám trường, bám lớp, để “ươm” những mầm xanh trên núi.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dong-luc-giup-co-giao-ma-thi-thuy-gan-bo-voi-diem-truong-phieng-sap-post244100.gd