Động lực kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ phục hồi kinh tế

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 13.5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, chính sách giảm thuế VAT 2% từng được áp dụng từ năm 2022 đến hết nửa đầu năm 2025 đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Vì vậy, Chính phủ đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT thêm 18 tháng, từ ngày 1.7.2025 đến hết ngày 31.12.2026.

Cụ thể, mức giảm 2% sẽ áp dụng cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%, tức giảm còn 8%, ngoại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện ưu đãi như: viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm kim loại và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Nguyên tắc của đề xuất là chỉ áp dụng giảm thuế đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế VAT 10%. Trong đó, đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này chủ yếu là các ngành phục vụ sản xuất, kinh doanh, du lịch, tiêu dùng – những lĩnh vực đóng vai trò then chốt trong việc tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng.

Chính phủ dự kiến tổng mức giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 là khoảng 121,74 tỉ đồng. Trong đó, nửa cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 tỉ đồng và năm 2026 giảm khoảng 82,2 tỉ đồng.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, đây là khoản “chi phí ngắn hạn” có thể chấp nhận được, vì đổi lại, chính sách này sẽ góp phần kích thích tiêu dùng nội địa, giảm giá thành hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó tạo thêm việc làm và đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Chính sách giảm thuế VAT sẽ tạo động lực cho phục hồi kinh tế, đồng thời đóng vai trò là giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.

Việc ban hành nghị quyết lần này là một phần trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2025, đồng thời tạo đà cho tăng trưởng trong giai đoạn 2026–2030.

Với tác động lan tỏa dự kiến, chính sách giảm thuế VAT không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng giảm gánh nặng chi phí, mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường – một bước đi chiến lược trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/dong-luc-kich-cau-tieu-dung-ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-134345.html