Động lực kinh tế nông nghiệp vùng biên giới Tuy Đức

Huyện Tuy Đức đang khai thác các lợi thế về sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng biên giới.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 09/3/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng đối ngoại khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện Tuy Đức đã tập trung nâng cao đời sống người dân vùng biên giới. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết, Tuy Đức đang khai thác ngày càng hiệu quả các lợi thế về sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống người dân vùng biên.

Thu nhập người dân xã biên giới xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức ngày càng tăng từ cây mắc ca

Thu nhập người dân xã biên giới xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức ngày càng tăng từ cây mắc ca

Huyện Tuy Đức có 2 xã biên giới là Đắk Búk So và Quảng Trực. Trên cơ sở xác định lợi thế về đất đai, khí hậu, thị trường tiêu thụ, cũng như trình độ sản xuất của người dân, huyện Tuy Đức đã chủ động sắp xếp lại các vùng sản xuất một cách hợp lý.

Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn 2 xã biên giới Quảng Trực và Đắk Búk So, người dân đã tiến hành chuyển đổi được 348,6ha đất trồng cao su kém hiệu quả, năng suất thấp và 172,5ha đất trồng cà phê, hồ tiêu khó khăn về nước tưới sang trồng mắc ca, cây ăn trái.

Người dân đã chuyển đổi 146,2ha đất trồng khoai lang, bắp, mì năng suất thấp sang trồng rau xanh, chanh dây. Ngành Nông nghiệp huyện đã đồng hành với người dân thực hiện chương trình tái canh cà phê. Thông qua đó, nhiều giống cà phê mới, năng suất cao được đưa vào sản xuất như cà phê xanh lùn, cà phê dây, TRS1, TR4, TR9...

Huyện đã chuyển đổi và triển khai thành công Đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn 2 xã Quảng Trực và Đắk Búk So. Đến nay, 2 xã đã phát triển được 1.820ha mắc ca, chiếm 58% tổng diện tích mắc ca trên địa bàn toàn huyện. Bước đầu, huyện hình thành được vùng sản xuất mắc ca tập trung quy mô lớn tại Quảng Trực.

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết, cây mắc ca đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích nghi tốt điều kiện khí hậu của địa phương, phù hợp với khả năng đầu tư và tập quán canh tác của các hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc. Cây mắc ca đang giúp các bon làng ở xã Quảng Trực có nguồn thu nhập ổn định. "Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, nhiều chương trình,dự án đã được huyện đầu tư để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân trên địa bàn", ông Anh cho biết.

Ông Điểu Srớch, ở bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực cho biết: "Những năm qua, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi chủ yếu từ 300 cây mắc ca trồng từ năm 2012. Thấy được hiệu quả của cây mắc ca, gia đình tôi đã đầu tư trồng thêm 500 cây, năm nay bắt đầu cho thu hoạch".

Xã biên giới Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã hình thành vùng sản xuất cây ngắn ngày

Xã biên giới Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã hình thành vùng sản xuất cây ngắn ngày

Đối với xã biên giới Đắk Búk So, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tận dụng quỹ đất trồng cây lâu năm thời kỳ kiến thiết cơ bản và chuyển đổi đất trồng khoai lang, cao su bạc màu sang trồng rau xanh theo quy mô hàng hóa. Đến nay, xã đã hình thành vùng sản xuất rau xanh tập trung khoảng 240ha, sản lượng trên 3.840 tấn/năm.

Đồ họa: Nguyễn Hiền

Đồ họa: Nguyễn Hiền

Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 2 xã biên giới Quảng Trực và Đắk Búk So đã được huyện đặc biệt quan tâm, đầu tư. Qua đó, kinh tế nông nghiệp 2 xã vùng biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng phát triển các cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dong-luc-kinh-te-nong-nghiep-vung-bien-gioi-tuy-duc-218551.html