Động lực phát triển mạnh mẽ Vùng Thủ đô Hà Nội

HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Như vậy, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cũng rất khẩn trương, hy vọng dự án quan trọng này được kỳ vọng sẽ sớm được triển khai để tạo thêm sức bật mới cho Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh THANH HẢI)

Đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh THANH HẢI)

Theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND, HĐND thành phố thống nhất chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Bố trí đủ nguồn vốn

Cụ thể, cam kết nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội được bố trí từ ngân sách thành phố khoảng 23.524 tỷ đồng, trong đó, số vốn trong giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng, số vốn trong giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của Dự án.

Năm 2022 bố trí khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 bố trí khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024 bố trí khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025 là khoảng 5.025 tỷ đồng. Trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án thành phần tăng theo quyết định của cấp có thẩm quyền, dẫn đến tăng phần nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND thành phố sẽ cân đối bố trí đủ vốn để thực hiện hoàn thành dự án theo trách nhiệm của thành phố.

Dự án vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Đoạn qua thành phố Hà Nội dài 58,2km; đoạn qua tỉnh Hưng Yên dài 19,3km; đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối 9,7km. Dự án có điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, điểm cuối tại Km40+500 trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long.

Để phát huy hiệu quả tối đa, dự án sẽ đầu tư đồng bộ tuyến nối từ cuối đường vành đai 4 theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long đến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang nhằm khép kín toàn tuyến. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho biết: “Vành đai 4 là dự án chiến lược, mang đến động lực vô cùng mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Vùng kinh tế Bắc Bộ, Vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng”.

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có bảy tuyến đường vành đai gồm: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5, kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc thù của vành đai 4 là kết nối với tất cả các tuyến còn lại; có thể coi là “Vành đai kết nối mọi vành đai”, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Vành đai 4 còn giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho vành đai 3 đã quá tải trầm trọng (hiện số lượng phương tiện lưu thông đã gấp tám lần thiết kế của tuyến đường).

Tập trung thực hiện ngay

Phân tích về dự án quan trọng này, chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan cho rằng, về lĩnh vực giao thông, đường vành đai 4 là tuyến kết nối Hà Nội với Vùng Thủ đô, mở rộng liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và mạng lưới giao thông quốc gia. Về kinh tế-xã hội, dự án này hoàn thành sẽ tăng cường giao thương giữa hàng chục tỉnh, thành phố, tiền đề hình thành các trung tâm thương mại, logistics mới phía bắc nước ta. “Đường lớn mở tới đâu, giao thương, sản xuất sẽ phát triển tới đó.

Các trung tâm công nghiệp, logistics, thương mại, dịch vụ cũng theo đó hình thành. Có hạt nhân kinh tế sẽ quy tụ được cư dân, tạo nên các đô thị lớn mạnh dần thay thế nông thôn, mang đến sự phồn thịnh cho mỗi địa phương, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của cả đất nước. Có thể nói, vành đai 4 là động lực cực lớn, phát huy hiệu quả ngay, lâu dài, bền vững cho Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc Bộ và cả nước”, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, căn cứ ý kiến kết luận tại phiên họp thứ 11 ngày 12/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan Tư vấn và các đơn vị liên quan rà soát cập nhật lại số liệu tính toán, bổ sung thêm nội dung dự kiến kế hoạch, tiến độ bố trí vốn và giải ngân các năm. UBND thành phố đã hoàn thiện Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô trình Chính phủ tại Tờ trình số 111/TTr-UBND ngày 18/5/2022.

Theo đó xác định chủ trương nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô được dự kiến bố trí từ ngân sách thành phố khoảng 23.524 tỷ đồng. Lãnh đạo UBND thành phố cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hằng năm sẽ được UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo luật định.

Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các cơ quan thành phố tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường này, Hà Nội sẽ thực hiện ngay.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/dong-luc-phat-trien-manh-me-vung-thu-do-ha-noi-699375/