Động lực tăng trưởng và áp lực quản lý
Sáu tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng tích cực và đạt mức cao nhất từ năm 2023 trở lại đây. Với đà tăng như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo tín dụng hoàn toàn có thể cán đích mục tiêu 16% trong năm 2025. Tuy nhiên, đằng sau con số tăng trưởng đáng mừng ấy vẫn tiềm ẩn không ít nỗi lo…

Đến ngày 26/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa
Tín hiệu tích cực qua những con số
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 vượt 8% và kiên định hiện thực hóa mục tiêu này, dù nền kinh tế chịu tác động của nhiều bất ổn từ bên ngoài. Để đạt mục tiêu, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó ngành ngân hàng giữ vai trò then chốt.
Ngay từ cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 là 16%. Sáu tháng đầu năm, dù ngành ngân hàng bận rộn với nhiệm vụ tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức nhưng trọng trách thúc đẩy tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế vẫn luôn được NHNN quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tinh thần ấy thể hiện rõ trong các chỉ thị, văn bản gửi tới các tổ chức tín dụng (TCTD) ngay từ đầu năm.
Đáng chú ý, nhiều hội nghị đẩy mạnh tín dụng đã liên tiếp diễn ra tại NHNN các khu vực, tạo diễn đàn để TCTD, địa phương, doanh nghiệp (DN) trao đổi, tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Các TCTD cũng tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Điển hình là chương trình tín dụng cho lĩnh vực lâm thủy sản được nâng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng; các chương trình hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình cho vay nhà ở xã hội, cũng như hỗ trợ các DN đầu tư hạ tầng…
Theo NHNN, nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tính đến 26/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ năm trước, tín dụng tăng tới 18,87% - mức tăng cao nhất từ năm 2023 và là bước cải thiện rõ rệt về tốc độ, quy mô tín dụng.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vừa được NHNN công bố, 62,6% TCTD kỳ vọng nhu cầu vay vốn tăng mạnh, vượt xa nhu cầu thanh toán và gửi tiền. Trong đó, dư nợ tín dụng được dự báo tăng 4,7% trong quý III. Theo đó, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên 16,8%, vượt xa tốc độ tăng thực tế của năm 2024.
Về cơ cấu, tín dụng tập trung vào các ngành nông lâm thủy sản (chiếm khoảng 6,37%), công nghiệp chế biến, chế tạo (12,84%), xây dựng (7,53%)… Dịch vụ bán buôn, bán lẻ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 23,74%.
Đối với các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng nông nghiệp, nông thôn chiếm 23,16%, DN nhỏ và vừa chiếm 17,51%. Đáng chú ý, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 15,69% và 17,59%, gần gấp đôi tốc độ chung.
Theo các chuyên gia, tín dụng tăng trưởng tích cực phản ánh nhu cầu vốn của DN và người dân đang phục hồi nhanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. “Con số tăng trưởng tín dụng không chỉ thể hiện sự linh hoạt, hợp lý trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, mà còn cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh tế được củng cố, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn của DN và người dân” - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vừa được NHNN công bố, 62,6% TCTD kỳ vọng nhu cầu vay vốn tăng mạnh, vượt xa nhu cầu thanh toán và gửi tiền. Trong đó, dư nợ tín dụng được dự báo tăng 4,7% trong quý III. Theo đó, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên 16,8%, vượt xa tốc độ tăng thực tế của năm 2024.
Chưa hết nỗi lo
Nhiều chuyên gia dự báo, với đà hiện tại, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% cả năm hoàn toàn khả thi nếu các chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả. Song, đằng sau tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng vẫn còn nhiều băn khoăn.
Tính đến giữa tháng 6/2025, tín dụng tăng khoảng 7% trong khi huy động vốn chỉ tăng hơn 5%. TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn tiềm ẩn rủi ro thanh khoản và lạm phát cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.

Nông lâm thủy sản chiếm khoảng 6,37% cơ cấu tín dụng. Ảnh: ST
Ông Hiếu phân tích, tăng trưởng tín dụng cao khiến dòng tiền chảy mạnh vào tài sản, gia tăng sức ép lên tỷ giá và giá hàng nhập khẩu, tác động đến lạm phát. Dù hiện nay lạm phát vẫn dưới 4%, nhưng việc cung tiền tăng nhanh cần được theo dõi sát sao để điều chỉnh kịp thời, tránh gây mất cân đối.
Một vấn đề nữa là nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lưu ý, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã chạm mức 134% được xem là mức cao so với nhiều nước. Nếu nền kinh tế tiếp tục chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng, sẽ tiềm ẩn rủi ro không nhỏ cho cả hệ thống TCTD lẫn nền kinh tế.
Các con số cho thấy, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP liên tục tăng qua các năm: năm 2021 là 113,2%, năm 2022 hơn 125%, năm 2023 khoảng 133%, năm 2024 là 134%. Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo tỷ lệ này ở Việt Nam ở mức cao so với quốc tế và khuyến nghị cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng, nhất là với các lĩnh vực rủi ro.
Qua kiểm toán tại NHNN, Kiểm toán nhà nước cũng đã kiến nghị NHNN xây dựng tiêu chí giám sát phù hợp nhằm quản lý, kiểm soát tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống.
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, tỷ lệ tín dụng/GDP càng cao, rủi ro đối với DN và nền kinh tế càng lớn. Do đó, cần giám sát chặt chẽ dòng vốn, lường trước các rủi ro và có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều dự án hạ tầng lớn được triển khai, nhu cầu vốn tăng cao, vốn cho các dự án dài hạn không thể chỉ trông cậy vào ngân hàng, mà cần huy động từ nhiều kênh khác, hướng tới một thị trường vốn đa dạng, cân bằng và bền vững hơn./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dong-luc-tang-truong-va-ap-luc-quan-ly-41507.html