Đồng minh cố ngăn tổng thống Mỹ thay đổi chính sách hạt nhân

Các đồng minh vận động Tổng thống Mỹ Joe Biden không thay đổi chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này, do lo ngại làm suy yếu chiến lược răn đe nhằm vào Nga và Trung Quốc.

Các nước tham gia vận động Mỹ giữ nguyên chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân bao gồm Anh, Pháp và Đức ở châu Âu, Nhật Bản và Australia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang trong quá trình "đánh giá vị thế hạt nhân" (NPR) - quy trình liên cơ quan nhằm xem xét chính sách về vũ khí hạt nhân của Mỹ, dự kiến kết thúc vào cuối năm nay, theo Financial Times.

"Món quà lớn" cho Nga và Trung Quốc

Mặc dù một số đồng minh tin rằng ông Biden sẽ từ chối chính sách “không sử dụng hạt nhân trước tiên”, hầu hết lo ngại tổng thống đang xem xét chính sách "mục đích duy nhất". Điều này sẽ làm rõ rằng Mỹ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong phạm vi hạn hẹp và các tình huống theo quy định, chẳng hạn như ngăn chặn cuộc tấn công trực diện vào Mỹ hoặc để trả đũa.

"Đây sẽ là món quà lớn với Trung Quốc và Nga", một quan chức châu Âu nhận định.

 Máy bay ném bom B52 của Mỹ phóng tên lửa hành trình. Ảnh: Financial Times.

Máy bay ném bom B52 của Mỹ phóng tên lửa hành trình. Ảnh: Financial Times.

Chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, vẫn "mập mờ có chủ đích". Điều này cho thấy Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trước, đồng thời khiến đồng minh ở cả châu Âu và châu Á cảm thấy họ được bảo vệ dưới "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ.

Một số người ủng hộ chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân cho rằng tuyên bố "mục đích duy nhất" hoặc “không sử dụng hạt nhân trước tiên” sẽ giúp tăng tính ổn định, do đã vạch rõ trường hợp nào sẽ sử dụng loại vũ khí này. Trong khi đó, những người chỉ trích lại khẳng định điều này khuyến khích hành động của Nga và Trung Quốc.

Họ cũng lo ngại sự thay đổi có thể thúc đẩy các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Đồng minh "hoảng loạn"

Đầu năm nay, Washington hỏi ý kiến những đồng minh có phản ứng tiêu cực đối với bất kỳ thay đổi nào trong chính sách hạt nhân của Mỹ. Nhưng một số vẫn lo lắng. Mối lo còn trầm trọng hơn khi chính quyền Mỹ không để tâm tới những quan ngại của đồng minh trong việc rút khỏi Afghanistan hay trong thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân với Australia.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 29/10, ông Biden nói ông không biết việc Pháp không được báo trước về thỏa thuận tàu ngầm.

“Về cơ bản, các đồng minh đang đồng loạt hoảng loạn. Họ không tin những đề nghị liên tiếp của họ sẽ tới tai chính quyền của Tổng thống Biden", một nguồn tin cho biết.

“Việc áp dụng chính sách vũ khí hạt nhân trong những 'mục đích duy nhất' khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ cảm thấy bị hạ thấp. Sự tín nhiệm dành cho Mỹ sẽ bị giảm bớt", người này nói thêm.

Một số người hy vọng ông Biden sẽ đề cập sơ qua về quan điểm của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome vào cuối tuần.

 Ông Biden và Macron có cuộc trao đổi trực tiếp lần đầu tiên vào ngày 29/10 tại Rome kể từ sau khi liên minh AUKUS được công bố hồi tháng 9. Ảnh: Guardian.

Ông Biden và Macron có cuộc trao đổi trực tiếp lần đầu tiên vào ngày 29/10 tại Rome kể từ sau khi liên minh AUKUS được công bố hồi tháng 9. Ảnh: Guardian.

Giữa dấu hiệu cho thấy mối quan tâm đang gia tăng giữa các đồng minh, cam kết về "một liên minh hạt nhân đáng tin cậy và thống nhất" đã được đưa vào tuyên bố chung sau cuộc họp của ông Biden và ông Macron hôm 29/10. Cả hai cũng hứa "tham vấn chặt chẽ" về các vấn đề hạt nhân.

John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết những cuộc tham vấn với các đồng minh "đang diễn ra và cần thiết" khi Mỹ xem xét quá trình "đánh giá vị thế hạt nhân". Ông cũng nói thêm rằng việc duy trì “cam kết răn đe mở rộng của Mỹ một cách mạnh mẽ và đáng tin cậy” vẫn là trọng tâm của tiến trình.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cân nhắc thay đổi chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân. Cựu Tổng thống Barack Obama từng có suy nghĩ thay đổi tương tự, nhưng từ bỏ sau khi nhận sự phản đối của các đồng minh và quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại ông Biden có xu hướng phớt lờ đồng minh và cố vấn quân sự trong các quyết định chính sách an ninh gần đây, bao gồm cả Afghanistan.

"Chính sách 'mục đích duy nhất' chỉ là cách gọi khác của 'không sử dụng hạt nhân đầu tiên', và dù chỉ áp dụng một trong hai chính sách này cũng là một sự phản bội hoàn toàn đối với đồng minh của chúng ta", James Risch - thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - nói.

Richard Fontaine, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ ở Washington, cho rằng các mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên gia tăng kể từ thời chính quyền cựu tổng thống Obama. Điều này có nghĩa đây “không phải là thời điểm thích hợp cho cam kết 'không sử dụng hạt nhân đầu tiên' của Mỹ”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-minh-co-ngan-tong-thong-my-thay-doi-chinh-sach-hat-nhan-post1274316.html