Đồng Nai: Người dân khổ vì mùi hôi ở 'thủ phủ' nuôi heo
Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác định một số trang trại nuôi heo tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có vi phạm về bảo đảm môi trường.
Mùi hôi bay xa
Với người dân xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, đã từ lâu họ đã quá quen với mùi hôi xuất phát từ những trang trại nuôi heo ở đây. Bà Đ.T.T.T., nhà ấp 3, xã Lộ 25 cho biết, gia đình đã sống chung với cảnh mùi hôi nồng nặc từ các trại heo gần nhà được 10 năm nay. Theo bà T, các hộ sinh sống gần trại heo này đã nhiều lần ý kiến với chính quyền địa phương nhưng gần đấy mới có đoàn vào kiểm tra.
Ông P.X.Th, ở thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất - một trong những người thường xuyên phản ánh về việc các trang trại heo gây ô nhiễm môi trường cho hay, vào ban đêm mùi rất là hôi, mùi có thể bay xa bán kính 2-3km.
Cụ thể, ngày 4/5, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã đi khảo sát, kiểm tra trang trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Văn Đức (ấp 3, xã Lộ 25). Qua kiểm tra cho thấy, trang trại này chưa có giấy phép môi trường theo quy định, chăn nuôi vượt quy mô được xác nhận; nước thải chỉ xử lý qua bể biogas, sau đó chảy ra các hồ chứa tự thấm xuống đất hoặc thải ra sông, suối tự nhiên, gây mùi hôi khó chịu. Đến ngày 17/5, cơ quan chức năng huyện Thống Nhất tiếp tục kiểm tra và cho biết, đây là trang trại chăn nuôi gia công cho một tập đoàn nước ngoài. Theo giấy đăng ký môi trường của huyện Thống Nhất cấp năm 2016, trang trại này được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho cơ sở chăn nuôi heo thịt quy mô 900 con, diện tích 900m2. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, trang trại có gần 1.800 con heo thịt, diện khoảng 27 ngàn m2.
Mới đây, theo chỉ dẫn của ông P.X.Th, phóng viên cũng đã tiếp cận một số trang trại nuôi heo tại các xã Lộ 25, Hưng Lộc, Gia Kiệm của huyện Thống Nhất để ghi nhận thêm tình hình. Tại thửa đất số 21, tờ bản đồ địa chính số 36, xã Lộ 25, diện tích 12.524m2, mục đích sử dụng trồng lúa nước, quy hoạch sử dụng đến năm 2030 là đất nông nghiệp khác, phóng viên ghi nhận có một trang trại heo quy mô lớn.
Theo quan sát, trang trại này không có khu xử lý chất thải mà chỉ có hầm biogas và 1 bể chứa nước thải không có chống thấm. Cạnh khu vực hầm biogas, nước thải tràn sang thửa đất của một người khác tạo nên những vũng nước thải bán kính trên 50m, nước đọng và thấm vào đất gây nên một mùi hôi nồng nặc. Nghiêm trọng nhất là trang trại này còn đấu nối một đường ống xả thải trực tiếp ra con suối gần đó. Nước thải cứ thế chảy xuống suối, còn xung quanh là phân heo và các phế phẩm từ việc nuôi heo được xả thẳng ra môi trường. Không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, những phần thải này còn tạo nên mùi hôi bay khắp một vùng.
Người dân các xã Hưng Lộc, Lộ 25, Gia Kiệm, Gia Tân 1… đều khẳng định, rất bức xúc với việc mùi hôi của các trang trại heo vì làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt đời sống, sức khỏe.
Bất cập thẩm quyền kiểm tra?
Cách huyện Thống Nhất khoảng 50km là “thủ phủ” heo Xuân Lộc. Đây cũng là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Tại xã Suối Cao, phóng viên đã tiếp cận một số trang trại heo để tiếp tục ghi nhận tình hình chăn nuôi cũng như công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên gần như các trang trại nuôi heo số lượng lớn, có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của tỉnh cấp lúc nào cũng trong trạng thái “kín cổng cao tường”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Duy Nguyện, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Suối Cao cho biết, các trang trại heo có ĐTM của tỉnh cấp đang nằm trên địa bàn gần như là từ huyện đến xã đều không thể vào kiểm tra được. “Mình không có đủ thẩm quyền kiểm tra vì đây là trang trại do tỉnh cấp phép, chỉ có Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) mới được kiểm tra. Còn với những trang trại quy mô nhỏ có cam kết bảo vệ môi trường do huyện cấp, phòng TN-MT huyện và địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra. Tuy nhiên, các trang trại lúc nào cũng viện lý do dịch bệnh, không cho người vào để tránh kiểm tra. Muốn vào kiểm tra phải báo trước 1-2 tuần”, ông Nguyện nói.
Theo tìm hiểu, đa số các doanh nghiệp nuôi heo được tỉnh Đồng Nai cấp phép xây dựng trang trại đều theo hình thức xây dựng xong phần chuồng trại rồi cho các công ty nước ngoài thuê lại để chăn nuôi. Hiện nay, để xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn quy mô hàng ngàn con heo trở lên thì nhà đầu tư phải bỏ ra kinh phí rất lớn. Với các dự án chăn nuôi heo lớn do tỉnh cấp phép đầu tư trên địa bàn các xã, về cơ bản các trang trại không sử dụng nhân công tại chỗ.
Theo báo cáo của UBND huyện Thống Nhất, trên địa bàn xã Hưng Lộc và Lộ 25 hiện có 98 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty với quy mô từ 800.1200 con heo thịt/lứa, trong đó có 75 trang trại đã được cấp thủ tục môi trường theo quy định.
Theo ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, các trang trại chăn nuôi này xây dựng từ năm 2012-2013, chăn nuôi theo kiểu truyền thống, sử dụng nhiều nước để vệ sinh và rửa chuồng. Do nuôi với số lượng lớn, trong khi hệ thống xử lý nước thải, phân heo chưa được đảm bảo yêu cầu do quá tải nên mùi hôi thối phát sinh trong quá trình chăn nuôi dẫn tới người dân phản ánh. Hiện nay đa số các trang trại đều chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài. Các công ty này thường ký thêm phụ lục hợp đồng để tăng số lượng heo, làm vượt công suất xử lý của các trại chăn nuôi, do đó hệ thống xử lý nước thải thường quá tải, dẫn đến xử lý nước thải không đảm bảo môi trường. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kiểm tra các trang trại gần suối, có quy mô thuộc thẩm quyền kiểm tra của huyện.