Đồng sáng lập Momo kể chuyện tăng trưởng 800% của QR code và 17 năm định vị fintech
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Momo chia sẻ hành trình 17 năm khởi nghiệp ngành fintech bắt đầu bằng những điều nhỏ bé, bồi đắp qua thời gian trở thành sản phẩm tốt, được công chúng đón nhận.
Những ngày đầu tiên
Tại tọa đàm cơ hội - thách thức trong công nghệ tài chính (fintech) do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM (SIHUB) tổ chức sáng 14/5, ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ hành trình 17 năm phát triển Ví điện tử Momo - từ con số 0, trở thành doanh nghiệp “Kỳ lân công nghệ” (định giá trên 1 tỷ USD) của Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Momo chia sẻ hành trình 17 năm khởi nghiệp lĩnh vực fintech tại tọa đàm. Ảnh: Hà An.
Ông Diệp xuất thân là một kỹ sư viễn thông, không có nhiều liên quan lĩnh vực tài chính. Giai đoạn từ 1995 - 1997, một số mạng điện thoại di động hoạt động, sau này là Internet được triển khai tại Việt Nam. Ông Diệp khi đó đang làm việc tại một cơ quan nhà nước, được cử đi học tập nhiều khóa đào tạo cán bộ tiếp cận mô hình quản lý mới, phát triển khoa học công nghệ mới trong tương lai.
Năm 1996, ông Diệp sang Thụy Điển học tập tại một trụ sở công ty viễn thông. Tiếp xúc với nhiều chuyên gia nước ngoài, ông nhận ra ở quốc gia ít tài nguyên, khí hậu lạnh nhiều tháng trong năm, họ phải phát triển bằng ứng dụng công nghệ với các sản phẩm như ô tô Volvo, hãng viễn thông Ericsson…
“Câu chuyên của Thụy Điển thôi thúc chúng tôi ứng dụng công nghệ để phát triển”, ông Diệp nói.
Khi điện thoại di động bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam giai đoạn 1997 - 1998, ông Diệp suy nghĩ làm sao dựa vào sự phát triển này để nghiên cứu những công nghệ khác phục vụ người dân. Lúc đó đội ngũ của ông suy nghĩ đến edtech (công nghệ giáo dục), healtech (công nghệ sức khỏe), fintech (công nghệ tài chính)…
Họ chọn phát triển fintech vì nhiều quốc gia trên thế giới phát triển ngành này dựa trên nền tảng công nghệ viễn thông theo hướng biến tất cả các điểm giao dịch viễn thông thành điểm giao dịch dịch vụ tài chính. “Chúng tôi suy nghĩ đến làm sao biến chiếc điện thoại thành tài khoản ngân hàng”, ông Diệp nhớ lại.
Ông Diệp rời nhà nước năm 2007 khởi nghiệp với ngành fintech. Ông và các cộng sự tìm hiểu mô hình dùng công nghệ viễn thông để cung cấp dịch vụ tài chính từ Philipines. Bởi quốc gia này có nhiều hòn đảo khác nhau, đi lại khó khăn nên người dân sử dụng dịch vụ viễn thông để chuyển tiền, thanh toán… Bằng sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông và các cộng sự đã sang Philipines tìm hiểu mô hình fintech thực tế vận hành tại quốc gia này có tên gọi GCash, với các điểm giao dịch tài chính mang tên “Human ATM”.
Mở rộng sang các nước Châu Phi, ông Diệp và ông Nguyễn Mạnh Tường, sau này là Tổng giám đốc Momo đã sang một số quốc gia như Kenya, Uganda, Tanzania và nhận thấy các quốc gia này hạn chế về ngân hàng, giao thông khó khăn… Do vậy các giao dịch họ dùng công nghệ để triển khai hoạt động tài chính như nạp rút tiền, thanh toán… Việc này giúp xã hội và GDP các quốc gia này phát triển.
Fintech phục vụ nhu cầu người lao động
Năm 2007, khi startup Momo ra đời, trong bối cảnh tỷ lệ tiếp cận dịch vụ fintech tại Việt Nam rất thấp chỉ với 1% có tài khoản ngân hàng. Việc phát triển dự án fintech của đội ngũ Momo thực hiện trong điều kiện các ngân hàng có những ràng buộc chặt chẽ liên quan việc quản lý, đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, với một hệ thống được kiểm soát chặt chẽ sẽ khó tạo ra những đổi mới sáng tạo. Ông Diệp cho rằng ngành fintech vẫn phát triển như lẽ tất yếu với vai trò ứng dụng công nghệ phát triển mô hình kinh doanh mới và phối hợp ngân hàng cung cấp dịch vụ mới. Ngân hàng coi các dự án fintech như mô hình khởi nghiệp bên ngoài, là cánh tay nối dài việc đổi mới.
Năm 2016, Momo được coi là đơn vị triển khai mã QR trong các giao dịch thanh toán đầu tiên tại Việt Nam. Điều này kích thích tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt lên tới 100% mỗi năm và tăng trưởng giao dịch dùng QR code tăng 200% mỗi năm, có năm tăng 800%. “Công nghệ thanh toán đơn giản này đúng nhu cầu khách hàng nên tăng trưởng mạnh mẽ bởi yếu tố công nghệ”, ông Diệp nói.
Quan điểm của đội ngũ phát triển dự án là phục vụ nhu cầu những người lao động thu nhập trung bình, học sinh sinh viên tiếp cận với fintech. Nếu có những sản phẩm tốt phục vụ những người lao động cơ bản, sẽ giúp họ có thể giàu lên từ công nghệ tài chính với khoản đầu tư nhỏ.
Đến nay, Momo đã phát triển nhiều sản phẩm về đầu tư tài chính như chứng khoán, gửi tiết kiệm, mua chứng chỉ quỹ... với chi phí ban đầu thấp. Các sản phẩm hỗ trợ tài chính khác như khoản vay, làm từ thiện, quản lý doanh thu hộ gia đình... phục vụ đại bộ phận người dân trong làm ăn và hoạt động xã hội.
“Một sản phẩm nhỏ nhưng tốt nhất và nhiều sản phẩm tốt cộng lại sẽ thành thứ vĩ đại qua thời gian”, ông Diệp nói. Đồng sáng lập Momo cho rằng, đầu tư lĩnh vực fintech cần kiên trì từ những điều nhỏ và hãy bắt đầu những sản phẩm nhỏ nhưng tốt nhất mang lại trải nghiệm hoàn hảo cho khách hàng trước khi nghĩ đến những điều lớn lao.