Dòng sông thời gian

Tôi ngồi trên gác baga chiếc xe đạp Thống Nhất cũ sờn màu, hai bàn tay nhỏ bám chặt vào yên xe phía trước để mẹ dắt cả xe và tôi xuống con đò ngang chở khách qua sông. Giữa dập dềnh sóng nước, con đò đưa mẹ và tôi trở về quê nội. Đôi mắt trẻ thơ nhìn điều gì cũng thấy mới lạ, con sông dài và rộng như nỗi nhớ. Chuyến đò ngang qua dòng sông Lạch Bạng năm xưa hằn in những năm tháng còn khó khăn vất vả khi đất nước ở những năm đầu đổi mới, khi ấy tôi mới chập chững tuổi lên bốn lên năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đò qua sông Lạch Bạng nối đôi bờ giữa một bên là xã Hải Thanh với núi Du Xuyên đứng thẳng như một bức tường và bờ cát trắng mịn bên hữu của xã Hải Bình. Từ xã Hải Bình, mẹ còn phải còng lưng đạp xe hơn mười cây số nữa mới tới quê tôi ở làng Diệc, xã Tĩnh Hải. Không rộng lớn như những con sông đã đi vào thi ca, bài hát như sông Mã, sông Đà, sông Hồng, sông Lam... sông Lạch Bạng quê tôi là dòng nội thủy từ khởi nguồn tới khi đổ ra biển khơi. Theo sách Địa chí Thanh Hóa, thì sông Lạch Bạng có chiều dài chỉ vỏn vẹn 34,5km với diện tích lưu vực 236km2, bắt nguồn từ vùng núi Huôn, xã Phú Lâm của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Khởi thủy của dòng Lạch Bạng chỉ ở ngọn núi có độ cao hơn 100m rồi chảy qua vùng núi, đồi thấp phía tây xuống vùng đồng bằng ven biển, vòng qua chân núi Du Xuyên và đổ ra biển ở cửa Lạch Bạng, cùng tên với dòng sông.

Dòng sông bé nhỏ ấy trong suốt chiều dài lịch sử gắn liền với một quá khứ hào hùng của dân tộc, là chiến lũy che chở vùng đất phía nam xứ Thanh qua bao cuộc xâm lăng của giặc ngoại xâm. Năm 1789, khi 29 vạn quân Mãn Thanh dưới sự thống soái của Tôn Sỹ Nghị chia làm 3 đạo ồ ạt tiến vào bờ cõi nước Nam ta, tướng Ngô Thì Nhậm cùng Ngô Văn Sở đã cho lui binh về phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn, bố trí trận địa tại ải Cửu Chân, cuống họng Bắc – Nam ngăn bước tiến quân thù, và chờ đợi đại quân của vua Quang Trung tiến ra Bắc. Biện Sơn xưa chính là vùng đất Nghi Sơn ngày nay, và tại vùng Cửa Bạng nơi con sông Lạch Bạng hòa vào biển khơi và các vùng lân cận tạo thế liên hoàn, quân Tây Sơn đóng đồn thủy quân trấn thủ. Cuộc tấn công thần tốc tết Kỷ Dậu đã đi vào sử sách với chiến công lẫy lừng của người anh hùng áo vải Quang Trung.

Dòng sông Lạch Bạng băng cắt qua Quốc lộ 1A tại cầu Hổ giao với con đường 513 dẫn vào Khu Kinh tế Nghi Sơn. Từ đó dòng Lạch Bạng xuôi theo hướng Đông Bắc qua Trúc Lâm, Xuân Lâm, Bình Minh, Hải Bình, Hải Thanh rồi đổ ra biển Đông. Cùng với sự phát triển của khu công nghiệp trọng điểm Nghi Sơn, nhiều con đường theo hướng Đông Tây được mở ra. Từ đó trên các cây cầu bắc qua dòng sông Lạch Bạng, ta dễ dàng bắt gặp con sông hơn trước đây. Trên con đường thênh thang mới mở vào một chiều mùa hạ, nơi những cây cầu bên dưới là dòng sông Lạch Bạng, xa xa là núi non bao quanh bốn bề, cảnh vật thiên nhiên như hợp thành một bức tranh hoàn mỹ. Con đường hun hút trong ánh tà dương bỗng nhiên cũng đỏ au như nền trời hoàng hôn khi đó, bên dưới dòng sông xanh thẫm lững lờ trôi loang loáng như ngàn vì sao phản chiếu ánh sáng cuối ngày.

Tôi lớn lên, đi xa quê bao năm rồi cũng trở về nhà làm việc cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Giờ đây không còn là những chuyến đò xưa sang sông nữa, tôi gặp dòng sông mỗi ngày hai bận khi đi làm. Rồi tự lúc nào, sông với tôi trở nên thân thiết hơn xưa. Cứ sáng sáng chiều chiều trên đường đi làm về, tôi lại bắt gặp nhiều người đứng nơi thành cầu thả câu. Dưới dòng sông bao nhiêu bè lồng nuôi cá neo đậu. Dòng sông hiền hậu mang lại nguồn sống cho bao người dân quê tôi.

Quê hương ai cũng có một dòng sông. Những chiều đi dọc con sông quê, nhìn dòng sông hiền hòa lững lờ trôi, tôi chỉ có một ước mong rằng dòng sông sẽ không bị bơm vào lòng mình những dòng nước độc hại. Chỉ có dòng nước trong mát từ nguồn chảy xuống, từ những hạt mưa, những mạch ngầm trong lòng đất mẹ gom góp vào. Rồi con cá, con tôm sẽ theo dòng nước sạch mà sinh sôi nẩy nở, tung tăng bơi lội. Bên đôi bờ, người dân dạo bước, nhìn ngắm dòng sông, buông cần thả câu, hít thở không khí trong lành. Khi đó dường như tôi có thể nghe thấy dòng sông Lạch Bạng hát vì dòng sông vui trở lại.

Tản văn của Lê Ngọc Sơn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dong-song-thoi-gian-32313.htm