Đồng tâm chống dịch (bài cuối)

BÀI CUỐI: Cầu nối giúp người dân “gỡ” khó

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Quốc Hoàn, Mặt trận và các đoàn thể đã thực hiện tốt vai trò của mình, góp phần cùng hệ thống chính trị toàn tỉnh kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã chung tay giúp đỡ rất nhiều gia đình khó khăn, người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ở bên dân, giúp dân

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đến mùa thu hoạch, nông dân mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Nông sản không bán được thì mất cả vốn lẫn công sức trong cả một mùa. May thay, sự vào cuộc của các cấp hội nông dân và hội LHPN đã giúp họ vượt qua khó khăn. Anh Phạm Ngọc Hậu ở thôn Long Mỹ, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân có 12 sào đất trồng dưa hấu. Anh chia sẻ: Ruột gan tôi rối bời vì đúng lúc dưa chín trời lại hay mưa, giao thông “đứng bánh” nên chẳng có người mua. Nhờ hội nông dân và hội phụ nữ kết nối, mỗi cơ quan đơn vị mua giúp 500-700kg. Chỉ trong vài ngày, tôi đã được “giải cứu” hơn 10 tấn dưa, số còn lại bán cho người dân, tất nhiên giá không như lúc bình thường nhưng thu hồi được vốn. Gia đình chúng tôi cũng như các hộ dân được “giải cứu” củ quả ở đây vô cùng biết ơn lãnh đạo địa phương, các tổ chức đoàn thể đã nhiệt tình giúp đỡ.

Các hộ dân ở khu phố Nam Bình 1 (phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa) cũng đứng ngồi không yên khi hạt sen và đậu phộng đã cứng hạt mà xe đưa hàng vào TP Hồ Chí Minh không được phép chạy. Biết được tình cảnh đó, Hội LHPN tỉnh đã kết nối với nhiều nơi, “giải cứu” được 20 tấn đậu phộng, riêng hạt sen vẫn đang được “giải cứu”. Chị Nguyễn Thị Thủy ở khu phố Nam Bình 1 nói: “Gần 3 mẫu đậu phộng nhà tôi đã bán hết, thu được phần nào vốn. Những lúc khó khăn mà có người dang tay giúp, thiệt là quý báu. Chúng tôi cảm thấy rất vui và biết ơn những người đã giúp đỡ”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết: “Nhiều hộ chăn nuôi, vùng sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đến kỳ thu hoạch, trong khi đó nhiều hộ gia đình, địa phương đang cần hàng hóa phục vụ cuộc sống hàng ngày thì thiếu hoặc có nhưng giá cao. Hội LHPN các cấp đã xắn tay vào “giải cứu” hơn 55 tấn rau củ quả ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hành trình này vẫn đang được tiếp tục duy trì”.

Khu nhà ông Ngô Quang Khanh ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa từng bị phong tỏa 1 tháng vì có người là F0. Ông Khanh kể: “Lúc công an, dân phòng… tới giăng dây phong tỏa, cả xóm hoảng hồn. Vừa lo lây bệnh vừa lo việc sinh hoạt, ăn uống rồi sẽ ra sao. Vậy rồi mọi thứ đều ổn, ngoài việc hỗ trợ mua hàng, chúng tôi còn được mấy lần nhận gạo và rau củ quả từ cán bộ xã. Mới đây, con trai tôi cũng được nhận gần 2 triệu đồng tiền hỗ trợ thất nghiệp. Lúc khó khăn, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền và bà con quá là quý”.

Anh Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa An, huyện Phú Hòa, cho biết: Một số hộ dân ở thôn Đông Phước có vườn rau không bán được, gọi chúng tôi để cho. Số này được phân chia đến các khu phong tỏa, hộ nghèo. Chúng tôi quyết không để hộ nào thiếu ăn trong mùa dịch.

Cầu nối trong đại dịch

Khi chúng tôi đến Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa để nắm thông tin, chị Huỳnh Thị Son, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, liên tục nhận điện thoại và liên tục gọi điện điều hành công việc. Vui vẻ, gần gũi và tháo vát, trong thời gian chống dịch, chị còn đảm nhận khá nhiều vai trò. Có lẽ do trước đây, chị là chủ tịch hội nông dân và từng công tác ở hội LHPN huyện nên người dân địa phương đều biết đến. Chỗ này gọi nhờ “giải cứu” nông sản, chỗ kia gọi báo tình hình thôn xóm… Chị Son nói: “Anh em cơ sở đều nắm được hết nhưng người dân vẫn cứ sốt ruột, mình linh động giải quyết càng sớm càng tốt cho người dân”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa Huỳnh Thị Son nhận cơm từ chùa Khương Sơn ở xã Hòa Quang Bắc để chuyển đến khu cách ly tập trung. Ảnh: MINH NGUYỆT

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa Huỳnh Thị Son nhận cơm từ chùa Khương Sơn ở xã Hòa Quang Bắc để chuyển đến khu cách ly tập trung. Ảnh: MINH NGUYỆT

Chị Son lái xe đi khắp nơi trong huyện, giúp bà con nông dân “giải cứu” nông sản. Khi đó trên thị trường, dưa hấu có giá 6.000-7.000 đồng/kg, chị vẫn mua với giá 10.000 đồng. Sáng đi làm, chị ghé ruộng chở dưa hấu đến cơ quan, kêu gọi anh em nơi đây mua ủng hộ. Mùa mãng cầu ở Lỗ Chài (xã Hòa Quang Bắc), chị mua và tập kết hàng tại nhà xe, rồi cùng chị em trong cơ quan phân phối. Trên đường từ cơ quan về nhà ở TP Tuy Hòa, “shipper” bất đắc dĩ này tranh thủ giao hàng. Mỗi sáng, chị Son đến bếp ăn thiện nguyện chở đồ ăn sáng đến khu cách ly hỗ trợ cho người dân từ miền Nam về và cho anh em tình nguyện viên làm công tác phòng chống dịch. Đến trưa, chị lái xe đến chùa Khương Sơn ở Hòa Quang Bắc, nhận cơm và đưa tới khu cách ly. Thứ bảy, chủ nhật, chị lại đưa đón các mạnh thường quân đi tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn… Hơn 3 tháng qua, chị Son không có ngày nghỉ, toàn tâm toàn sức lo cho công tác phòng, chống dịch.

Tại huyện miền núi Sơn Hòa, cán bộ Mặt trận và các đoàn thể cũng đã phát huy vai trò trong công cuộc chống dịch. Anh La Chí Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sơn Hòa nói: Trong thời gian huy động lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ Mặt trận đã rất tích cực, hầu hết là thành viên ban chỉ huy phòng chống dịch. Những lúc cao điểm, anh em đi làm từ mờ sáng đến nửa đêm mới về, nhiều hôm không về nhà. Họ chia nhau đi kiểm tra, kịp thời động viên và hỗ trợ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... cho anh em trực chốt kiểm soát phòng chống dịch; phân bổ hàng hỗ trợ, điều tiết về cơ sở. Ở thị trấn Củng Sơn và các xã Sơn Hà, Sơn Hội, Suối Bạc, Sơn Phước, Sơn Nguyên có nhiều người đi làm xa, trở về và được cách ly tập trung. Cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chia nhau nấu ăn hỗ trợ khu cách ly và anh em trực chốt. Bên cạnh đó, anh em tích cực tham gia tuyên truyền phòng chống dịch cho đồng bào dân tộc thiểu số. Giờ đây, nhận thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều.

Trên địa bàn huyện Tuy An, công cuộc chống dịch cũng có sự chung sức đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, trong đó không thể không kể đến vai trò của Mặt trận và các đoàn thể. Bí thư Huyện ủy Tuy An Phạm Văn Bảy cho hay: Huyện ủy đã chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể hỗ trợ các lực lượng trên tuyến đầu. Cán bộ hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ… tham gia tổ COVID cộng đồng và các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn như trực chốt kiểm soát, hướng dẫn người dân đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin...; chăm lo đời sống vật chất cho các lực lượng ở tuyến đầu; nắm tình hình đời sống của người dân ở những vùng có dịch để lãnh đạo huyện có những chỉ đạo kịp thời...

MINH NGUYỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/265963/dong-tam-chong-dich-bai-cuoi.html