Đồng Tháp - Ấn Độ: Hợp tác để khai thác tiềm năng, thế mạnh
Kinhtedothi – Trong khuôn khổ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Đồng Tháp, hai bên đã đẩy mạnh khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình đưa quan hệ hợp tác hai bên trở thành đối tác chiến lược.
Đồng Tháp là tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích 3.383,85 km2, dân số 1.601.306 người. Được bao bọc bởi Sông Tiền và Sông Hậu mang nhiều phù sa, bồi đắp cho những vườn cây trĩu quả bốn mùa và những cánh đồng bát ngát, nơi đây được xem là “vựa lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hợp tác du lịch nâng tầm giá trị
Tỉnh Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn. Ẩm thực đặc sắc với các món ăn đặc sản của vùng đồng bằng Nam bộ như: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, cá rô kho tộ, canh chua cá linh non với bông điên điển, mắm kho bông súng, đặc biệt có 200 món ăn sen… cùng với nhiều loại trái cây miệt vườn đã trở thành thương hiệu như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hòa,…
Từ năm 2017 – 2022, tỉnh Đồng Tháp đón và phục vụ trên 14,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 5.700 tỷ đồng. Kết nối giao thông thuận lợi đến các điểm tham quan du lịch trọng yếu của tỉnh như: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam…
Tính đến 31/5/2023, Đồng Tháp có 96 cơ sở lưu trú du lịch do tư nhân đầu tư với trên 1.900 phòng; trong đó có 53 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng từ 1 - 3 sao (1.500 phòng), với tổng số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn thông qua hội nghị lần này, các doanh nghiệp của tỉnh quảng bá hình ảnh, điểm đến của tính cho các doanh nghiệp Ấn Độ biết. Thông qua đó, kết nối hợp tác và đầu tư từ các doanh nghiệp của Ấn Độ.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành tại Đồng Tháp mong muốn, thông qua hội nghị lần này có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp của Ấn Độ để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm quản lý, làm du lịch của Ấn Độ để phát triển du lịch Đồng Tháp sang một giai đoạn mới.
Ông Kamal Kathait, Giám đốc Công ty Indian Railway Catering an Tourism Corporation cho biết: Thông quan phần trình bày của các doanh nghiệp du lịch của Đồng Tháp, tôi thấy hai nước có nhiều điểm tương đồng để kết nối, học hỏi quản lý, phát triển du lịch của cả hai.
Hợp tác thương mại và đầu tư
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở Ấn Độ chiếm 32% tổng thị trường lương thực Ấn Độ và 14% GDP ngành sản xuất. Với dân số gần 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường lớn, đầy tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam. Nhìn chung, hai quốc gia tuy có những nét tương đồng trong sản xuất nông sản và có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này nhưng thực tế sản lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng này giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn hết sức khiêm tốn.
Ngoài những thế mạnh về nông sản như: Gạo, cá tra, trái cây. Đồng Tháp cũng tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, linh hoạt vận dụng các chính sách thu hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM khẳng định: Sự kiện xúc tiến thương mại này là tạo cơ hội để doanh nghiệp Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Bên cạnh đó, Dồng Tháp cũng có nhiều cơ hội giao lưu văn hóa, giáo dục và du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng: Địa phương có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu rất cao về thực phẩm chế biến. “Hội nghị hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023” sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Ấn Độ hiểu rõ hơn môi trường đầu tư tại Đồng Tháp, từ đó mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mà cả hai bên đều quan tâm.
Ông GUNASEELAN đến từ Bang Bang Tamil Nadu cho biết: Ấn Độ được ví như kinh đô xoài với sản lượng hơn 40% xoài trên thế thế giới và có ít nhất 1.000 giống xoài khác nhau. Nếu đi du lịch Ấn Độ, đừng quên thưởng thức vị ngon của quả xoài ở Ấn Độ. Các doanh nghiệp của Đồng Tháp có thể học hỏi những mô hình sản xuất, chế biến xoài của Ấn Độ để nâng tầm giá trị của ngành hàng xoài Đồng Tháp lên tầm cao.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-thap-an-do-hop-tac-de-khai-thac-tiem-nang-the-manh.html