Đồng Tháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Thời gian qua, Đồng Tháp tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp...

Huyện Lai Vung tập trung phát triển diện tích cây có múi
Nâng chất lượng cuộc sống người dân nông thôn
Với định hướng khai thác tiềm năng nông nghiệp, Đồng Tháp đi đầu trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Qua thời gian thực hiện, nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà có những thay đổi tích cực. Theo đó, tăng trưởng ngành nông nghiệp tiếp tục được giữ vững; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng gắn kết với thị trường tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác liên kết gắn với xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản tỉnh nhà. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chính sách thí điểm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn...
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành và hoàn thiện các vùng nguyên liệu đối với ngành hàng chủ lực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo mối liên kết hợp tác giữa hợp tác xã với doanh nghiệp (DN) và giữa DN với DN trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản phát triển bền vững. Các huyện, thành phố chủ động triển khai xây dựng ít nhất 1 vùng sản xuất nông nghiệp thông minh, hiện đại gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ để làm điểm trong chỉ đạo điều hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, góp phần thay đổi mạnh mẽ đối với thủ tục hành chính thuộc ngành nông nghiệp quản lý đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4, đến hết năm 2024 đạt 100%. Song song đó, nâng cao hiệu quả việc thực hiện số hóa dữ liệu quản lý, tự động hóa trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản; phát triển nông thôn; thủy lợi; lâm nghiệp; nông thôn mới; Chương trình OCOP; truy xuất nguồn gốc...
Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hóa OCOP” vào nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó, thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá sản phẩm OCOP. Đến nay, cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã) được số hóa, 100%; nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến đạt 62,56%. Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cấp trang thiết bị công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo khả năng chống chịu trước thiên tai; kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, ứng phó thiên tai; dự báo và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch bệnh xuyên biên giới.

Huyện Lấp Vò tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng bền vững
Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại
Bước vào năm thứ 2 triển khai, các thành viên thuộc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười) tích cực thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Trong đó, đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án về hạ tầng, quy trình canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, giảm phát thải. Diện tích tham gia thực hiện mô hình thí điểm Đề án tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi trong vụ đầu tiên là 50ha lúa liền kề nhau của 24 hộ, bắt đầu từ vụ thu đông năm 2024 và kéo dài trong 3 vụ liên tiếp. Khi tham gia, nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt là không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng...
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, cho biết: “Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, hợp tác xã sản xuất theo hướng ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trên đồng ruộng đạt 100%, giảm sức lao động; nông dân canh tác theo hướng giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Thời gian tới, sau khi hoàn thành thí điểm, hợp tác xã tiếp tục vận động bà con xã viên sản xuất lúa theo quy trình, tiêu chuẩn của Đề án đối với tất cả diện tích trong hợp tác xã (với hơn 440ha)...”.
Đồng hành cùng các sở, ngành tỉnh và địa phương, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức thành công Hội nghị phổ biến kiến thức “Hiệu quả từ các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trên về vai trò, tầm quan trọng trong việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đồng thời hiện thực hóa Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”...
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện hoàn thành và có hiệu quả mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra đến năm 2025, để chuyển sang lộ trình mới mục tiêu đến năm 2030 phát triển nông nghiệp Đồng Tháp thuộc nhóm dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Đồng thời phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh có nền nông nghiệp hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý và các ngành kinh tế có thế mạnh gắn với nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Hoàn thiện Đề án xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là Đề án để tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp Đồng Tháp cho giai đoạn tiếp theo, kết thúc giai đoạn đến năm 2030 của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu các điều kiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, gắn với vùng nguyên liệu, hạ tầng kết nối thuận lợi; tiếp cận nhanh cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu quốc tế, logistic gắn với sản phẩm nông nghiệp đi nhanh hơn, rộng hơn ở thị trường các nước giáp biên tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, thực hiện các chính sách thúc đẩy DN đầu tư vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản; tiếp tục nghiên cứu, đảm bảo các chính sách phải có cơ chế thông thoáng về thủ tục hành chính trong nông nghiệp...
