Đồng Tháp sẽ có cảng biển tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn
Với chiều dài đường bờ biển khoảng 32 km, tỉnh Đồng Tháp được quy hoạch đến năm 2030 sẽ có cảng biển tiếp nhận tàu lên đến 70.000 tấn.
Bộ Xây dựng vừa chính thức phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Đồng Tháp sau khi sáp nhập với Tiền Giang vào ngày 1/7/2025 thành tỉnh Đồng Tháp mới đã chính thức sở hữu đường bờ biển dài khoảng 32 km, nhờ tiếp nhận phần bờ biển thuộc khu vực Gò Công Đông của Tiền Giang (cũ).
Theo quyết định phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Đồng Tháp được quy hoạch 12 bến cảng với tổng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 9 triệu tấn/năm và khoảng 114,4 nghìn lượt khách/năm.

Tàu tải trọng lớn (Ảnh minh họa)
Các Khu vực bến cảng được quy hoạch gồm: Khu bến Gò Công có tổng số 5 bến cảng: Bến cảng tổng hợp Gò Công; Bến cảng Tổng kho dầu khí Soài Rạp Nam sông Hậu Petro; Bến cảng Tổng kho xăng dầu Soài Rạp - Hiệp Phước; Bến cảng phục vụ kho xăng dầu DKC Tiền Giang và Bến cảng Bình Đông. Các bến cảng trên có công suất hàng hóa thông qua hàng năm từ 4,5 triệu tấn đến 5,9 triệu tấn; hành khách từ 49,6 nghìn lượt khách đến 56,3 nghìn lượt khách.
Trong đó tại Bến cảng tổng hợp Gò Công sẽ nghiên cứu đầu tư 1 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời với chiều dài 300 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải và khả năng đầu tư hạ tầng các công trình phụ trợ, kết nối đến cảng.
Bến cảng phục vụ kho xăng dầu DKC Tiền Giang có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 2,2 triệu tấn đến 2,7 triệu tấn/năm.
Khu bến Mỹ Tho có 1 bến cảng Mỹ Tho được thiết kế 3 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời, lỏng/khí với tổng chiều dài 220 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 0,58 triệu tấn đến 0,65 triệu tấn.
Dọc sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh Đồng Tháp, theo quy hoạch đến năm 2030 sẽ tập trung phát triển hệ thống cảng ở hai khu vực với 6 bến cảng chính như: Bến cảng Đồng Tháp; Bến cảng xăng dầu Đồng Tháp; Bến cảng Sa Đéc; Bến cảng Thường Phước 1; Bến cảng Thường Phước 2 và Bến cảng Lấp Vò. Các bến cảng này được thiết kế tiếp nhận tàu có tải trọng từ 5.000 - 10.000 tấn với công suất hàng hóa thông qua hàng năm từ 2 triệu tấn đến 2,4 triệu tấn; hành khách từ 54,2 nghìn lượt khách đến 58,1 nghìn lượt khách.
Về nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng hơn 5.000 tỉ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng.
Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa và phục vụ hành khách.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-thap-se-co-cang-bien-tiep-nhan-tau-den-70000-tan-post859344.html