Đồng Tháp xem khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khâu đột phá
Nhằm thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023.
Kế hoạch hướng đến mục đích lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, chú trọng đến lực lượng tiềm năng như sinh viên, học sinh, thanh niên, phụ nữ, nông dân, người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, giá trị tài nguyên bản địa; xem khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khâu đột phá. Phấn đấu đưa Đồng Tháp trở thành địa phương thu hút và phát triển cộng đồng khởi nghiệp hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng Tháp còn định hướng phát triển doanh nghiệp (DN) cả về số lượng lẫn chất lượng; từng bước nâng tỷ lệ DN đang hoạt động trên số dân trong độ tuổi lao động đạt khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chú trọng phát triển DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để phát huy và gia tăng giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa...
Năm 2023, kế hoạch đề ra mục tiêu tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho hơn 1.200 lượt người về khởi sự lập nghiệp, quản trị DN, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và chuyển đổi số. Đồng thời có thêm ít nhất 50 sản phẩm được đánh giá, xét công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao; có ít nhất 5 sản phẩm được chứng nhận năm 2020 - 2021 được chuẩn hóa nâng hạng lên 4 sao và tiềm năng 5 sao; hỗ trợ phát triển ít nhất 4 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức và tham gia ít nhất 5 sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hoạt động kết nối cộng đồng khởi nghiệp, DN...
Trên tinh thần đó, kế hoạch đề ra một số nội dung thực hiện. Theo đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích, truyền cảm hứng thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Trong công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tỉnh tập trung kết nối cộng đồng khởi nghiệp; nâng cao vai trò của các tổ chức tác động khởi nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản phẩm; ươm tạo cho các dự án, DN khởi nghiệp tiềm năng; kết nối và nâng cao năng lực cho cán bộ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đội ngũ cố vấn (mentor); phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi, sự kiện hỗ trợ khởi nghiệp...
Hướng tới mục tiêu Đồng Tháp là địa phương khởi nghiệp, tỉnh còn quan tâm đến phát triển DN khởi nghiệp. Trong đó, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, mở rộng quy mô và chuyển đổi thành DN theo Luật DN. Mặt khác, hướng dẫn, tạo điều kiện để các cá nhân, DN, dự án khởi nghiệp nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của các quỹ đầu tư, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN, khởi nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận các quỹ, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần; thông tin, kết nối và hỗ trợ DN, dự án khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Quỹ hỗ trợ Nông dân phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh...
Để giúp sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận sâu với thị trường, tỉnh còn hỗ trợ DN phát triển sản phẩm; ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đồng thời thường xuyên cập nhật, tổng hợp các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, nhu cầu, khó khăn thực tế tại DN, dự án khởi nghiệp để từ đó, triển khai những chương trình, hoạt động hỗ trợ phù hợp...