Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP
Việc liên kết giữa Long An với TP HCM và các địa phương trong khu vực để tạo ra các sản phẩm du lịch nông thôn liên hoàn, hấp dẫn du khách
Ngày 28-11, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị Liên kết xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) giữa Long An với TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Tiềm năng rất lớn
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những tiềm năng, lợi thế và thách thức trong việc phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP nhằm khai thác thế mạnh và thu hút khách du lịch đến với Long An. Ông Lê Thanh Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết toàn tỉnh hiện có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 4 sao mang nét đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ thành lập được 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP để tạo điều kiện quảng bá, kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành các điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái. Qua thời gian triển khai, đến nay, hoạt động du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn ở Long An phát triển đáng kể. Nhiều điểm du lịch đã tạo được ấn tượng sâu sắc cho du khách trong và ngoài nước. "Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP. Khi du khách đến các điểm du lịch nông thôn, ngoài trải nghiệm còn có thể tham quan và mua sắm được nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Long An" - ông Đông thông tin.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty CP Les Rives, nhận xét Long An có nhiều điểm đến bằng đường sông, có nhiều kênh rạch nhỏ với cảnh quan thiên nhiên vùng quê hiền hòa, lịch sử văn hóa địa phương và người dân thân thiện, hiếu khách, chắc chắn sẽ tạo được nhiều sản phẩm du lịch miền quê đậm chất Nam Bộ. "Lợi thế của Long An là giáp ranh TP HCM nên nếu di chuyển bằng đường sông chỉ mất 1 giờ, cảnh quan đẹp từ trung tâm quận 1 đến khu nhà ven sông tại quận 4, quận 7, quận 8 xuôi về huyện Bình Chánh, trước khi về đến sông Vàm Cỏ của tỉnh Long An. Cảnh vật hai bên bờ sông đưa khách từ chốn phồn hoa đô hội đến một miền quê hài hòa nhiều cảm xúc" - bà Hạnh miêu tả.
Chú trọng liên kết vùng
Dù có nhiều lợi thế nhưng các chuyên gia cũng nhìn nhận để phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP đúng tiềm năng vốn có của mình, tỉnh Long An cần phải thực hiện nhiều giải pháp mang tính bền vững.
TS Nguyễn Thị Thúy Ngân, Trưởng Khoa Du lịch - Trường ĐH Văn hóa TP HCM, đề nghị Long An cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng đến xây dựng sản phẩm du lịch và nâng cao nhận thức cộng đồng. Cụ thể là lập quy hoạch vùng du lịch nông thôn, xác định các khu vực trọng điểm phát triển du lịch sinh thái, làng nghề và văn hóa lịch sử. Đồng thời, kết nối liên vùng, phát triển tuyến du lịch kết nối Long An với TP HCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL nhằm tạo ra các hành trình du lịch liên tỉnh, kết hợp tham quan nông thôn Long An với các điểm đến lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp.
Theo TS Ngân, cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển du lịch nông thôn. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của người dân về du lịch nông thôn, đồng thời chú trọng đào tạo kỹ năng du lịch chuyên nghiệp và thân thiện cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích người dân tham gia du lịch cộng đồng, như hỗ trợ về vốn, ưu đãi chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Theo TS Lê Văn Vương, Khoa Du lịch - Trường ĐH Văn Hiến, để du lịch nông thôn phát triển bền vững, Long An cần xây dựng các sản phẩm OCOP đặc trưng và phát triển hệ thống dịch vụ nhằm thu hút du khách và tạo điểm dừng chân hấp dẫn.
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, khẳng định trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư vốn ngân sách một cách đồng bộ, có trọng tâm và trọng điểm vào du lịch nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Việc liên kết vùng cũng sẽ được chú trọng nhằm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Khai mạc Tuần Du lịch tỉnh Long An
Tối cùng ngày, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần 2 năm 2024. Với chủ đề "Khát vọng sông Vàm", sự kiện này diễn ra từ ngày 28-11 đến 4-12, với chuỗi hoạt động như: Hội chợ thương mại, ẩm thực, du lịch Long An - Hàn Quốc; Không gian trải nghiệm du lịch Long An; Không gian giao lưu văn hóa; chương trình thể thao; vòng chung kết cuộc thi "Tỏa sáng tài năng sinh viên"; Lễ hội Âm nhạc Hite Jinro Festival 2024 và Đêm hội truyền thống Long An.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-trien-du-lich-gan-voi-san-pham-ocop-196241128204704379.htm