Đồng Tháp: Xuất hiện đàn cò hàng nghìn con, nhiều loại có tên trong Sách Đỏ

Những ngày gần đây, trên cánh đồng ở quanh vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, xuất hiện đàn cò với số lượng lên đến hàng nghìn con, bay lượn và tìm kiếm thức ăn trên cánh đồng, tạo nên cảnh tượng vô cùng đẹp mắt và ấn tượng.

Đàn cò này có nhiều loại như: Cò trắng, cò quắm, cò ốc... Đặc biệt, cò ốc có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; cò quắm cũng là động vật quý, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đàn cò bay lượn, tìm thức ăn trên cánh đồng gần vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Đàn cò bay lượn, tìm thức ăn trên cánh đồng gần vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Khi mặt trời vừa ló dạng, trên cánh đồng thuộc địa bàn Khóm 4, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (cách Vườn Quốc gia Tràm Chim chưa đầy 4km), nhiều loại chim, cò bay đến, đáp xuống tìm thức ăn. Bắt đầu là một đàn nhỏ, chỉ khoảng 100 con, dần dần số lượng đàn cò tăng lên hàng nghìn con, bay rợp cả cánh đồng. Nhiều người dân địa phương cho hay, hiện là thời điểm người dân vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân, trên đồng có nhiều loại côn trùng, cá, cua, ốc… Đây là thức ăn ưa thích của loài cò.

Theo Ban quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim, cò ốc có tên khoa học là Anastomus oscitans, thuộc họ diệc, ở bậc R (cực kỳ quý hiếm) trong Sách Đỏ Việt Nam. Cò ốc thường sống ở các nước trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, loài cò này chỉ xuất hiện ở một vài địa phương miền Tây Nam Bộ. Thức ăn chủ yếu của cò ốc là ốc và các động vật thủy sinh. Cò quắm cũng là một trong những loài đang bị đe dọa nghiêm trọng ở khu vực Đông Nam Á. Đây là động vật quý cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đàn cò khá dạn dĩ, chỉ bay đi khi có người đến gần.

Đang trên đường đi công tác, anh Vũ Văn Minh (Phường 4, thành phố Cao Lãnh) dừng xe lại để xem, chụp hình, quay phim đàn cò bay lượn, tìm thức ăn trên đồng. Anh Minh chia sẻ, anh rất ấn tượng khi lần đầu được nhìn thấy đàn cò lên đến hàng nghìn con.

Đàn cò bay lượn, tìm thức ăn trên cánh đồng gần vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Đàn cò bay lượn, tìm thức ăn trên cánh đồng gần vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Hận (một người dân sống hơn 30 năm ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) cho hay, trong 3 vụ lúa của năm, chỉ vụ Đông Xuân có nhiều cò về tìm kiếm thức ăn trên đồng. Những năm trước, khi làm đất, chuẩn bị xuống giống lúa đều có cò đến kiếm ăn nhưng năm nay, đàn cò về với số lượng lớn hơn, gấp khoảng 5 lần so với năm 2022.

Việc xuất hiện hàng nghìn con cò trên cánh đồng ở huyện Tam Nông là tín hiệu đáng mừng, dấu hiệu tích cực đối với môi trường sinh thái ở các địa phương quanh vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, vụ lúa Đông Xuân năm nay, huyện triển khai 2 dự án quan trọng là sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải; sản xuất lúa sinh thái gắn với bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Địa phương đang thực hiện khoảng 170 ha lúa sản xuất chất lượng, giảm phát thải; đồng thời, triển khai sản xuất lúa sinh thái với khoảng 220 ha. Điều này cho thấy, người dân từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất, từ sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống sang sản xuất lúa sinh thái, lúa sạch.

Đàn cò tìm thức ăn trên cánh đồng gần vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Đàn cò tìm thức ăn trên cánh đồng gần vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 184 tỷ đồng. Đề án được kỳ vọng sẽ là giải pháp tích cực, hiệu quả trong việc thay đổi, cải thiện hơn nữa môi trường sinh thái để Tràm Chim mãi là mảnh đất lành cho những đàn chim, cò về trú ngụ. Qua đó, giúp người dân có ý thức hơn trong việc chủ động bảo vệ, tránh săn bắt cò dưới mọi hình thức nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên.

Bài học từ sếu đầu đỏ

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim, biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực đất ngập nước này.

Từ con sếu đầu đỏ, bài học mà Vườn quốc gia Tràm Chim có thể rút ra được đó là phải bằng cách nào đó duy trì được điều kiện tự nhiên để cây năn kim có thể phát triển như trước, tạo ra nguồn thức ăn dồi dào, đảm bảo điều kiện sinh sống của loài chim này.

Tuy nhiên, để tạo được môi trường phù hợp cho cây năn kim là điều không hề đơn giản. "Ngập quá cũng không được mà khô quá cũng không được, mưa nhiều cũng không tốt mà nắng nhiều quá cũng không tốt", ông Hải nói.

Để làm được điều này, Vườn quốc gia Tràm Chim đã nhờ đến sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về sinh thái để khôi phục lại được những bãi năn đủ lớn, đủ rộng để sếu có thể quan sát và tiếp cận dễ dàng.

Ngoài ra, vườn cũng đang có kế hoạch khôi phục hoạt động của nhóm cố vấn về đất ngập nước. Đây là những chuyên gia hàng đầu, hiểu biết rất rõ về Tràm Chim để giúp vườn khôi phục đa dạng sinh học.

NS(th)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/dong-thap-xuat-hien-dan-co-hang-nghin-con-nhieu-loai-co-ten-trong-sach-do-196231219094854267.htm