Dòng tiền tăng, thị trường tài sản hưởng lợi
Thanh khoản tăng mạnh khiến nhiều nhà phân tích cũng như các nhà đầu tư đang nhìn lại vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm.

Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán trong tuần này với thanh khoản tăng tích cực. Ảnh minh họa.
Dòng tiền đang chảy nhanh vào chứng khoán
Dù tin tức về thỏa thuận thuế quan với Mỹ đã phần nào giúp củng cố tâm lý giao dịch chung trong tuần qua, có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ không nghĩ rằng thị trường trong tuần này sẽ hứng khởi như vậy, dù hầu hết các nhà phân tích đều thận trọng với vùng điểm số 1.400.
Phiên giao dịch ngày 9-7 ghi nhận chứng khoán tiếp tục đà tăng ấn tượng với sắc xanh lan tỏa hầu hết các nhóm ngành, trong đó các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Chỉ số VN-Index tăng đến 1,1% theo ngày, đóng cửa tại mức cao nhất ngày 1.431 điểm.

Đáng chú ý là thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ, với tổng giá trị giao dịch vượt 33.000 tỉ đồng, mức cao nhất trong vòng hai tháng qua.
Dòng tiền cũng ghi nhận diễn biến tích cực ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài, với phiên mua ròng mạnh phiên thứ năm liên tiếp trên sàn HOSE. Tổng giá trị mua ròng đạt 1.947 tỉ đồng, tăng 28,6% so với phiên trước đó. Hai mã được mua nhiều nhất thuộc nhóm ngân hàng và chứng khoán.
Từ đầu năm 2024 đến tháng 5-2025, khối ngoại liên tục bán ròng mạnh trên thị trường, nhưng đã quay trở lại mua ròng tính riêng trong tháng 7. “Giao dịch khối ngoại đã tạo đáy trong tháng 5 và đang trong xu hướng đi lên rất nhanh”, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu Công ty chứng khoán VPBankS đánh giá.
Ngoài ngân hàng, chứng khoán còn có bất động sản và gần đây là thép, là những nhóm lĩnh vực chủ đạo thu hút dòng tiền và sự chú ý của nhà đầu tư gần đây. Thanh khoản các dòng cổ phiếu này thay nhau tăng dần trong suốt thời gian qua, bất chấp những lo ngại về khả năng đảo chiều dòng tiền, sự điều chỉnh của chỉ số và sức ép thuế quan.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, đánh giá chứng khoán Việt Nam thời gian qua có sự tăng trưởng tốt, tương tự như nhiều thị trường mới nổi khác. “Chúng ta đã nhanh chóng vượt qua sóng giảm tháng 4 và vượt đỉnh. Niềm tin nhà đầu tư đã nhanh chóng trở lại với thanh khoản phục hồi rất nhanh”, ông Sơn nói tại hội thảo VPBankS Talk 5 mới đây.

Thị trường cũng được hưởng lợi từ thông tin vĩ mô đang tích cực, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam. “Thị trường vừa qua đã phản ứng khá tích cực trước con số vĩ mô, nhưng phần lớn đến từ kết quả đàm phán thuế quan, chứ không phải con số tăng trưởng, mặc dù rất tích cực. Dù vậy những gì xảy ra trong tuần qua lại cho thấy sự tích cực mạnh lên ở một số khía cạnh, đặc biệt với Việt Nam”, ông Thành bình luận.
Tính riêng trong tuần trước, chỉ số VN-Index ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp, đóng cửa tại 1.386, tương ứng tăng 1,13% tính theo tuần. Tốc độ tăng vẫn phần nào thể hiện sự thận trọng trước các tin tức tích cực trong nước lẫn quốc tế khi thị trường dần tiệm cận vùng đỉnh lịch sử.
Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể ở hầu hết nhóm ngành, với giá trị giao dịch bình quân đạt 20.900 tỉ đồng, tăng 15% theo tuần. Khối ngoại cũng có tuần mua ròng mạnh nhất kể từ tháng 11-2022, phần lớn tập trung tại nhóm Chứng khoán, Bán lẻ, F&B và một vài cổ phiếu lẻ.
Thị trường tài sản bước vào giai đoạn hưởng lợi?
Không chỉ điểm số mà thanh khoản tăng tích cực khiến nhiều nhà phân tích nghĩ đến câu chuyện thị trường sẽ sớm chinh phục lại vùng lịch sử 1.500 điểm. Đại diện VPBankS cho biết hiện có kịch bản thanh khoản thị trường có thể đạt bình quân 28.000 tỉ đồng, giúp chỉ số đạt vùng điểm này trong năm nay hoặc đầu năm sau.
Một trong những lý do thúc đẩy thị trường đến từ diễn tiến vĩ mô toàn cầu, khi hầu hết các ngân hàng trung ương đều hạ lãi suất trong chu kỳ tới, trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn “nợ” hai lần giảm lãi suất trong năm nay.
“Trong giai đoạn vừa giảm lãi suất, vừa tăng cung tiền, xu hướng thị trường tài sản sẽ tiếp tục đi lên, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Các thị trường tài sản có thể hưởng lợi”, ông Sơn nói.
Tương tự, về mặt vĩ mô, dòng tiền cũng được cho là chảy về Việt Nam, dù con số vĩ mô chưa phản ánh hoàn toàn khó khăn tồn tại trong nền kinh tế. “Những lo ngại về việc Việt Nam không còn là điểm đến FDI đã biến mất. Ngay cả ở các kịch bản xấu nhất, khi thuế áp cao hơn các đối thủ 5% thì Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện ở phản ứng tích cực của nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài trong những ngày qua”, ông Thành nói.

Ông Thành của Fulbright (bên trái) và ông Sơn của VPBankS (ở giữa) thảo luận về bức tranh vĩ mô và chứng khoán trong thời gian tới, tại hội thảo "VPBankS Talk 5: Đầu tư thông minh cùng AI – Từ dữ liệu đến quyết định". Ảnh: DNCC.
Một câu chuyện lớn khác hỗ trợ cho dòng tiền chảy vào hiện nay là Việt Nam đến kỳ đánh giá để nâng hạng trong hai tháng tới. Các nhà phân tích cho biết thông thường dòng tiền khối ngoại sẽ đổ vào ở thời điểm trước, trong và sau khi nâng hạng.
Đại diện VPBankS cập nhật cho thấy Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí của FTSE, trong khi môi trường pháp lý và thị trường đã được cải thiện rất tốt trong năm 2024 – 2025 qua nhiều Thông tư. Hiện Việt Nam đang tiếp tục triển khai Nghị định sửa đổi 155 để làm rõ cơ thế thanh toán bù trừ và thể hiện sự cởi mở trong việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong những buổi họp báo gần đây, cơ quan quản lý nhà nước cho biết “khá tự tin trong việc làm việc với nhà đầu tư tổ chức”.
Ngoài ra, theo ông Sơn của VPBankS, dòng tiền được kỳ vọng trong thời gian tới còn đến từ cơ hội nhiều thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra vào cuối năm 2025 và đầu 2026. Tổng giá trị các thương vụ IPO mới này ước đạt 47,5 tỉ đô la Mỹ, tập trung ở các lĩnh vực dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng hay công nghệ thông tin. Con số này có thể so sánh khi nhìn lại giai đoạn 2017-2018 thị trường có nhịp tăng trưởng tốt.
Tuy triển vọng thị trường nhìn về trung và dài hạn tích cực, các nhà phân tích đều cho rằng trong ngắn hạn, thị trường sẽ cần phải vượt qua những nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật, tức vẫn chưa xuất hiện tín hiệu đảo chiều từ xu hướng tăng hiện tại. Nếu dòng tiền được giữ vững, sự lạc quan của các nhà đầu tư hiện nay sẽ còn duy trì.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-tien-tang-thi-truong-tai-san-huong-loi/