Khối ngoại xác lập trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến đợt giao dịch bùng nổ mạnh mẽ trong những phiên gần đây, khi chỉ số VN-Index tái lập đỉnh lịch sử trong vòng 3 năm.

Bảng giá chứng khoán trực tuyến tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Trung/Bnews/vnanet.vn
“Chất xúc tác” quan trọng kéo dài đà hưng phấn của thị trường trong đợt này đến từ sự trở lại của khối ngoại sau thời gian dài bán ròng triền miên.
Thị trường chứng khoán ngày 10/7 tiếp tục duy trì xu thế tăng mạnh, khi chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc 1.445,64 điểm, tăng 1% so với phiên trước đó. Trong 10 phiên giao dịch gần đây, chỉ số này ghi nhận tới 9 phiên phủ trong sắc xanh tích cực. Dòng tiền lan tỏa gần như đến mọi nhóm ngành trên thị trường với thanh khoản nhiều phiên ghi nhận cao kỷ lục.
Đáng chú ý, đà tăng của thị trường diễn biến đồng pha với giao dịch của khối ngoại, khi nhà đầu tư ngoại trở lại mua ròng mạnh mẽ trên cả 3 sàn chứng khoán Việt Nam. Chỉ riêng từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã duy trì 7/8 phiên mua ròng, với giá trị mua ròng ước tính lên đến gần 11.000 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng thuộc nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ… Diễn biến tích cực này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang dần được cải thiện và quay trở lại thị trường. Đây cũng là giai đoạn dòng tiền ngoại đổ vào cổ phiếu Việt Nam mạnh mẽ nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Trước đó, khối ngoại duy trì bán ròng liên tiếp kể từ đầu năm 2024, với giá trị bán ròng lên đến 3,7 tỷ USD trong năm này. Trong nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận bán ròng khoảng 1,5 tỷ USD. Sự trở lại của dòng tiền ngoại được xác lập ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trên mạng xã hội về mức thuế 20% sẽ áp cho hàng hóa Việt Nam. Dù vấn đề "hàng hóa trung chuyển" vẫn cần làm rõ thêm và chưa có mức thuế cụ thể áp cho hàng hóa Việt Nam nhưng những tín hiệu ban đầu này giúp giảm bớt yếu tố bất định, nhất là khi nhiều quốc gia bị áp thuế cao hơn, lên đến 25-40%. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, diễn biến thị trường gần đây cho thấy những lo ngại về việc Việt Nam không còn là điểm đến FDI đã biến mất. “Ngay cả ở các kịch bản xấu nhất, khi Mỹ áp thuế lên Việt Nam cao hơn các đối thủ 5%, thì Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện ở phản ứng tích cực của nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trong những ngày qua”, ông Thành nói. Bình luận về động thái gần đây của dòng vốn ngoại, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư cấp cao Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho rằng, dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, do dự báo kinh tế Mỹ sẽ chậm lại; đồng thời đồng USD có xu hướng yếu đi và lãi suất giảm, kéo theo tài sản bằng USD kém hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sớm được nâng hạng đã thúc đẩy hoạt động mua ròng của khối ngoại.
Thực tế, câu chuyện nâng hạng được thị trường kỳ vọng từ lâu, nhưng đến thời điểm hiện tại cơ hội này mới hiện rõ. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí liên quan đến thị trường mới nổi của FTSE.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã triển khai thành công Non-Prefunding vào tháng 9/2024; đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào hoạt động trong tháng 5/2025; đơn giản hóa quy trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài...
Hiện, Bộ Tài chính đang hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán để tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, tỷ lệ sở hữu và bảo đảm an toàn cho hoạt động đầu tư; đồng thời Việt Nam cũng đang chuẩn bị triển khai các cơ chế kỹ thuật như tài khoản giao dịch tổng (Omnibus) và cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP).
Đây được xem là những giải pháp quan trọng trong việc tháo gỡ các rào cản trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam của các tổ chức xếp hạng quốc tế.
Theo ông Đinh Đức Minh, nếu không có trở ngại lớn, khả năng chứng khoán Việt Nam được nâng hạng là hơn 50%. Dù được nâng hạng vào tháng 9 năm nay hay tháng 3/2026 đều là thông tin tích cực cho nhà đầu tư. Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo, khoảng 70% Việt Nam sẽ được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025. Tuy nhiên, cũng có 30% khả năng được nâng hạng vào tháng 3/2026 do các vấn đề liên quan đến chênh lệch về thời gian thanh toán và thời gian phân phối chứng khoán trên KRX cũng như số lượng giao dịch lỗi ít, FTSE cần thêm thời gian để đánh giá xử lý lỗi. Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS, nếu được nâng hạng, dòng vốn thụ động và chủ động vào Việt Nam có thể đạt 3 - 7 tỷ USD. “Nhà đầu tư mua rất nhanh trong các phiên gần đây, giống xu hướng các nhà đầu tư mua ròng trước, trong và sau nâng hạng ở nhiều thị trường khác. Việc giải ngân 3 - 7 tỷ USD trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra một cú hích rất lớn cho thị trường”, ông Trần Hoàng Sơn nhận định. Ngoài ra, dòng tiền khối ngoại được kỳ vọng tích cực hơn trong thời gian tới còn đến từ cơ hội nhiều thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra vào cuối năm 2025 và đầu 2026. VPBankS ước tính tổng giá trị các thương vụ IPO mới này có thể lên đến 47,5 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng hay công nghệ thông tin. Nếu các thương vụ IPO này diễn ra thành công sẽ hút vốn ngoại mạnh mẽ hơn thời gian tới, giống như lịch sử đã diễn ra trong giai đoạn 2017 – 2018, khi có những câu chuyện như bán vốn của VinaMilk đã có nhịp tăng trưởng rất tốt. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới còn nhiều yếu tố bất định, việc Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế tích cực, với các yếu tố vĩ mô ổn định cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy đà mua ròng của khối ngoại. Triển vọng tăng trưởng của thị trường trong trung và dài hạn vẫn rất tích cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ những nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật. Đặc biệt, với đặc tính biến động có sức ảnh hưởng mạnh của dòng tiền ngoại, các nhà đầu tư cá nhân vẫn cần lưu ý theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để có chiến lược đầu tư hợp lý, tránh tâm lý “fomo” quá mức khi thị trường đang ở vùng đỉnh để hạn chế rủi ro.