Đồng tiền Việt Nam mất giá ở mức hợp lý
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng 'đồng Việt Nam mất giá ở mức hợp lý, chúng ta không thể căng cứng, cố định tỷ giá'.
Tín dụng tăng 6%
Tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước sáng 23.7, đối với thị trường ngoại hối, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
"Tỷ giá là vấn đề lớn, là quan hệ tổng hòa của các mối quan hệ vĩ mô. Thời gian qua có những quốc gia mất giá đồng tiền nội tệ lên tới 7%, 11% và tỷ lệ đồng Việt Nam mất giá khoảng 4,4% là hợp lý trong bối cảnh chịu nhiều tác động trong nước và quốc tế. Chúng ta không thể căng cứng, cố định tỷ giá trong bối cảnh như hiện nay. Chúng ta điều hành tỷ giá sao cho hài hòa, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ", Phó thống đốc Tú nói.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng thông tin, tính đến ngày 28.6 vừa qua, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia...
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), chia sẻ tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...
Riêng tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39 - 40% tổng tín dụng bất động sản; tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,15% và chiếm tỷ trọng 60%.
Phó thống đốc Tú cho biết thêm, chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối năm sẽ rất uyển chuyển, linh hoạt, năng động. Giai đoạn tới cũng có thể xuất hiện những cơ hội thuận lợi hơn. "Về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chúng ta không thể cứ chờ đợi mà phải có giải pháp chủ động để điều hành linh hoạt các công cụ, đồng bộ", ông Tú nói.
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Bán vàng qua ngân hàng thương mại chỉ là giải pháp trước mắt
Thị trường vàng là vấn đề nóng trong những tháng vừa qua. Việc giá vàng SJC cao hơn thế giới, tạo sự chênh lệch lớn bất hợp lý nên Ngân hàng Nhà nước đã có 9 phiên đấu thầu. "Chúng tôi nhận ra không hiệu quả nên đã chuyển qua bán trực tiếp thông qua Big4; bước đầu phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát giá vàng SJC, không chênh lệch quá lớn với thế giới. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, căn cơ làm sao để thực sự bình ổn thị trường vàng không hề đơn giản", Phó thống đốc Tú thông tin.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, cơ quan này vẫn tiếp tục có nghiên cứu để đưa ra chính sách phù hợp; trên nguyên tắc sẽ sửa đổi nghị định 24 nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả, ngăn chặn tiêu cực trên thị trường vàng, bình ổn thị trường vàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng.
Chia sẻ thêm về việc quản lý thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết việc phối hợp các cơ quan ban hành trong quản lý thị trường vàng chưa bao giờ tốt như hiện nay. Lực lượng hải quan, công an đã bắt nhiều vụ buôn lậu vàng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phối hợp trong quản lý hóa đơn, rồi các lực lượng như quản lý thị trường... cũng vào cuộc.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách quản lý thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sẽ có chính sách mới khi sửa đổi Nghị định 24.
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, ông Tú cho hay các ngân hàng thương mại cơ bản đã được phê duyệt tất cả đề án tái cơ cấu. Hiện nay, các ngân hàng đang bắt tay thực hiện đề án, kể cả các ngân hàng lớn, ngân hàng nhóm Big4.
"Nhìn chung, về đề án tái cơ cấu, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã hoàn toàn làm chủ và kiểm soát, kể cả ngân hàng nhỏ đang được giám sát tăng cường, ngân hàng kiểm soát đặc biệt như SCB đang được kiểm soát tích cực...", ông Tú nói.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dong-tien-viet-nam-mat-gia-o-muc-hop-ly-220892.html