Dòng vốn chuyển hướng: Cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam
Những điều chỉnh về chính sách thuế của Mỹ và xu hướng tiền tệ toàn cầu đang thúc đẩy dòng vốn đầu tư chuyển hướng, tạo động lực mới cho kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho các ngành xuất khẩu chủ lực và yêu cầu chính sách trong nước phải phản ứng linh hoạt để duy trì đà phục hồi kinh tế.
Thị trường bất động sản đang phục hồi nhờ sức đẩy kinh tế Tăng sức bật cho kinh tế tư nhân từ hỗ trợ lãi suất 2% cùng ưu tiên vốn tín dụng
Theo ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích tại Công ty CP Chứng khoán VPS, trong thời gian tới, một trong những yếu tố then chốt cần theo dõi để đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như xu hướng của thị trường chứng khoán chính là những điều chỉnh liên quan đến chính sách thuế quan. Mỹ hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do đó bất kỳ động thái điều chỉnh thuế nào từ phía Mỹ đều có thể tạo ra những tác động trực tiếp và sâu rộng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng như lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong nước – đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết có tỷ trọng lớn trong các ngành xuất khẩu chủ lực.
“Những thay đổi về chính sách thuế cũng sẽ dẫn đến sự dịch chuyển trong cơ cấu ngành nghề và dòng vốn đầu tư. Các lĩnh vực như thủy sản, gỗ, giấy, dầu thô, linh kiện điện tử và xây lắp vốn là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn và nhạy cảm với các rào cản thương mại sẽ chịu áp lực điều chỉnh mạnh” – ông Khánh cho biết.

Ảnh minh họa.
Cùng với đó, chuyên gia từ VPS cũng chỉ ra rằng, dù nhiều doanh nghiệp trong các ngành trên không chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán, nhưng sức ép từ chính sách mới có thể dẫn đến làn sóng sàng lọc, buộc doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoặc chuyển hướng thị trường. Đây là một quá trình cần thiết để thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững.
Ở góc độ chính sách tiền tệ, ông Đặng Trần Hùng – chuyên gia phân tích tại VPS cho rằng, kỳ vọng của thị trường quốc tế hiện đang tập trung vào định hướng điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group cho thấy, phần lớn nhà đầu tư với xác suất lên tới 90% tin rằng, Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong kỳ họp tháng 6 tới. Mặc dù sang tháng 7, xác suất giữ nguyên lãi suất giảm nhẹ xuống còn khoảng 60%, nhưng tại kỳ họp tháng 9, xác suất Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất tăng lên hơn 50%, với mức giảm được kỳ vọng là 25 điểm cơ bản.
“Diễn biến này phản ánh niềm tin đang gia tăng trong giới đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ có thể cần thêm hỗ trợ để duy trì đà tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và thị trường lao động dần ổn định” – ông Hùng khẳng định.
Về tác động từ các động thái của Fed, theo ông Khánh, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng chính sách trong nước. Dù một số ngân hàng trung ương lớn tại châu Âu đã bắt đầu hạ lãi suất, Việt Nam vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi các chỉ số vĩ mô hiện tại chưa thật sự khởi sắc, trong khi áp lực lạm phát đang có xu hướng nhích lên. Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu và dòng vốn FDI đều ghi nhận tín hiệu chững lại.
“Giải ngân đầu tư công vốn được kỳ vọng là đầu kéo quan trọng trong năm 2025 dù được thúc đẩy quyết liệt về mặt chủ trương, nhưng trên thực tế vẫn chưa đạt được tiến độ như mong đợi. Các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả, khiến tổng cầu trong nước vẫn còn yếu, chưa thể tạo lực đẩy đáng kể cho tăng trưởng” – ông Khánh nhấn mạnh.
Trước bức tranh kinh tế còn nhiều điểm nghẽn, chuyên gia từ VPS đánh giá rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không vội vàng trong việc điều chỉnh lãi suất điều hành. Mặc dù dư địa chính sách vẫn còn, song việc giảm lãi suất cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá đầy đủ các chỉ số kinh tế sau quý II, tương tự như cách tiếp cận cẩn trọng của Fed.
“Xác suất điều chỉnh lãi suất trong năm nay là khoảng 30 - 40%, với thời điểm phù hợp có thể rơi vào quý III hoặc quý IV/2025, tùy thuộc vào mức độ phục hồi của kinh tế vĩ mô và hiệu quả của các biện pháp điều hành trước đó” – ông Khánh dự báo./.