Dòng vốn FDI sẽ thúc đẩy những phân khúc bất động sản nào nửa cuối năm?

Báo cáo của các công ty dịch vụ bất động sản công bố gần đây đều cho thấy, dòng vốn FDI chảy vào sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh bất động sản nói riêng đang tiếp tục giúp cho nhiều phân khúc hưởng lợi, trong đó nổi bật là căn hộ dịch vụ và khu công nghiệp.

Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam thu hút gần 2 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh - gấp 3,4 lần cùng kỳ và chiếm gần 15% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 11 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm hơn 9% tổng vốn FDI thực hiện.

Bất động sản công nghiệp dẫn đầu thị trường

Đầu tháng 5 vừa qua, tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) cho biết đang có nhu cầu đầu tư trung tâm dữ liệu lớn tại khu công nghệ cao TP. HCM. Công ty là đối tác FDI Hàn Quốc lớn thứ 3 đầu tư vào nước ta sau Samsung và LG, với tổng số vốn đã đầu tư tính đến hiện tại là hơn 4 tỷ USD.

Ông lớn ngành công nghiệp Hàn Quốc - tập đoàn Hyosung cho biết muốn đầu tư một trung tâm dữ liệu lớn ở Khu công nghệ cao TP. HCM.

Ông lớn ngành công nghiệp Hàn Quốc - tập đoàn Hyosung cho biết muốn đầu tư một trung tâm dữ liệu lớn ở Khu công nghệ cao TP. HCM.

Dự án trên cũng là một trong số những ngành và lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch thu hút FDI của TP. HCM, bao gồm các lĩnh vực là kinh tế số, công nghệ vi điện tử, công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin và năng lượng sạch. Việc chọn lọc dự án đầu tư chất lượng là điều cần thiết nhằm gia tăng giá trị trên quỹ đất sẵn có của thành phố.

Không riêng TP. HCM, báo cáo quý II của Avison Young Việt Nam cho thấy bất động sản công nghiệp cả nước tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu đầu tư sản xuất hồi phục. Diễn biến nổi bật của thị trường xoay quanh các hoạt động đầu tư và triển khai dự án FDI trong khu công nghiệp.

Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục duy trì danh hiệu điểm sáng công nghiệp phía Bắc nhờ nhiều dự án lớn, như nhà máy sản xuất bảng bo mạch 14,26 ha trị giá 383 triệu USD của tập đoàn Foxconn tại KCN Nam Sơn – Hạp Lĩnh, hay nhà máy vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại KCN Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm 1,07 tỷ USD.

Ngoài ra, quý II cũng ghi nhận các tập đoàn từ Hàn Quốc, Singapore công bố kế hoạch đầu tư tiếp theo vào các nhà máy sản xuất tại Việt Nam như LG, Lotte, CapitaLand.

Theo báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian vừa qua, bất động sản công nghiệp liên tục duy trì là phân khúc dẫn đầu trong thị trường, thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp rất lớn và trong xu hướng tăng. Nhu cầu thuê nhà xưởng, nhà kho xây sẵn cũng tăng cao trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cả nước trung bình đạt 75%, trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82%, các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.

Giá thuê đất công nghiệp tăng ổn định 8 - 12%/năm. Miền Bắc có giá thuê trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê, miền Nam giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê. Số lượng dự án mới được triển khai, khởi công tăng trưởng mạnh.

Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam cho biết, với xu hướng FDI mới về các ngành công nghiệp cao, chất bán dẫn, xe điện và năng lượng tái tạo, các địa phương đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, tháo gỡ khó khăn, ưu đãi đầu tư để tăng cường thu hút cũng như tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực.

Dự thảo Quỹ Hỗ trợ đầu tư cũng cho thấy nỗ lực cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư, tăng cạnh tranh và tính hấp dẫn, thúc đẩy động lực phát triển cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.

Hiện tại, các doanh nghiệp đầu ngành trong kinh doanh bất động sản, bao gồm cả các doanh nghiệp trước đây chỉ tập trung phát triển phân khúc nhà ở, cũng như một số tập đoàn hoạt động đa ngành như DIC Holdings, Phát Đạt, Khang Điền, Hà Đô,... đã và đang lên kế hoạch “thâu tóm” quỹ đất để phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp.

Căn hộ dịch vụ 'hút' chuyên gia ngoại

Trong quý vừa qua, L7 by Lotte Mall Westlake là dự án ghi nhận tỉ lệ lấp đầy tăng cao nhất tại Hà Nội, lên đến 10%. Khách thuê tại đây chủ yếu là chuyên gia Hàn Quốc có công tác tại các khu vực FDI lân cận như trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D Center) Samsung.

Tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ hạng A là 86%, hạng B là 75%. Tại TP. HCM, tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ hạng A là 84% và hạng B là 83%.

Căn hộ dịch vụ đang là sự lựa chọn được yêu thích của các chuyên gia trong nước và nước ngoài nhờ vào thời hạn thuê linh hoạt, dễ tiếp cận đến đa dạng nhu cầu công việc của khách thuê. Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI được kỳ vọng tạo ra nguồn cầu ổn định cho thị trường căn hộ dịch vụ khi số lượng chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam đang tăng lên.

“Nguồn vốn FDI dồi dào và sự phát triển của cơ sở hạ tầng tiếp tục củng cố nguồn cầu căn hộ dịch vụ do thời gian di chuyển đến các tỉnh lân cận đang được rút ngắn”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.

Còn theo chuyên gia của Avison Young Việt Nam, trong khi căn hộ thông thường ưu tiên cho khách thuê tối thiểu 1 năm thì căn hộ dịch vụ sẽ cho thuê dài hạn từ tối thiểu 1 tháng. Vị trí của các dự án cũng là lợi thế thu hút khách thuê khi không chỉ nằm tại khu vực trung tâm mà đang dần được mở rộng qua những khu vực cận với các dự án FDI, hưởng lợi từ việc cơ sở hạ tầng đang được xây dựng đồng bộ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng gần 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái và trong đó, thị trường có lượng khách đến Việt Nam đông nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Các thị trường trên hiện có nhiều dự án đang được đầu tư tại Việt Nam và cũng là nhóm khách đang có dự kiến phát triển thị phần lớn nhất qua các lĩnh vực nổi bật như sản xuất và siêu thị. Nhằm mục đích mở rộng và phát triển thương hiệu tại đây, các chuyên gia của nước sở tại cũng sẽ có nhu cầu lưu trú dài hạn để có thể theo dõi tiến độ công việc cũng như vận hành các cơ sở kinh doanh.

Hiện tại, các dự án căn hộ dịch vụ vẫn đang được phát triển chủ yếu tại các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội do nhu cầu thuê cao hơn so với các khu vực khác trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ, hỗ trợ kết nối khu vực trung tâm đến các khu vực vệ tinh sẽ mở ra cơ hội phát triển phân khúc này trong tương lai ở cửa ngõ các thành phố lớn, gần các cụm khu công nghiệp hoặc ở trong các dự án khu đô thị lớn.

Để có thể thành công khai thác được tiềm năng của phân khúc này, các nhà đầu tư cần xác định được nhu cầu thực của khách thuê để lựa chọn mô hình phát triển và đơn vị vận hành phù hợp.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/dong-von-fdi-se-thuc-day-nhung-phan-khuc-bat-dong-san-nao-nua-cuoi-nam-1101058.html