Dòng vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả trên quê hương Sóc Trăng
Trong những năm gần đây, nếu có dịp về lại Sóc Trăng ai ai cũng cảm nhận được những chuyển biến tích cực của tỉnh nhà, bởi được sự đầu tư tập trung, hiệu quả của nhiều nguồn lực, trong đó dòng vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng, hỗ trợ đắc lực các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Huy động mọi nguồn lực nhằm tạo sinh kế cho người nghèo
Đồng chí Trần Duy Đông - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng phấn khởi cho biết, thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần quan trọng để Sóc Trăng tạo ra một bước đột phá lớn, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78 thì đến ngày 14/1/2003, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng được thành lập. Qua 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo theo Nghị định số 78, tỉnh Sóc Trăng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và tinh thần nỗ lực của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng triển khai các hoạt động tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, trong suốt thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Hàng năm, căn cứ tình hình ngân sách của địa phương mà UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố sẽ ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Tính đến nay, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng 137,5 tỷ đồng (tăng 100% so với năm 2003), chiếm 3,2% tổng nguồn vốn, trong đó, ngân sách tỉnh 70,9 tỷ đồng (chiếm 51,6% nguồn vốn ngân sách địa phương); ngân sách các huyện, thị xã, thành phố 66,6 tỷ đồng (chiếm 48,4% nguồn vốn ngân sách địa phương). Tính đến ngày 31/8/2022, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng là 4.289,9 tỷ đồng, tăng gấp 58 lần so với năm 2003; tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 22%.
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân thông qua mạng lưới 3.168 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các ấp, khóm trong toàn tỉnh, với tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến ngày 31/8/2022 là 4.293 tỷ đồng, chiếm 99,84% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Dòng vốn tín dụng chính sách được sử dụng hiệu quả
Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Đồng chí Trần Duy Đông cho biết thêm, trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách cho vay đã giải ngân cho hơn 662.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp gần 138.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, cận nghèo; tạo việc làm cho hơn 38.000 lao động (trong đó có 1.900 lượt lao động đi lao động ở nước ngoài); giúp hơn 50.000 học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập; trên 148.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, hơn 32.000 lượt hộ dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề và mua hơn 3.260ha đất sản xuất; với 30.000 ngôi nhà được sửa chữa, cải tạo, xây dựng theo Quyết định số 167 và Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ cải tạo, xây dựng mới nhà ở xã hội được 96 căn nhà; hỗ trợ cho 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 912 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ 6 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19…
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Khi tái lập tỉnh năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 36,7%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,64% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025). Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực hiện tốt mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền đề ra. Kết quả đến năm 2021, tỉnh Sóc Trăng có 3/10 đơn vị cấp huyện hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên), có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao: Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.