Đồng Yên tăng giá bùng nổ vì tin Nhật Bản có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ
Đồng Yên tăng giá mạnh sáng nay (28/7) sau khi tờ báo Nhật Bản Nikkei đưa tin rằng Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) có kế hoạch thảo luận việc điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC)...
Tỷ giá Yên so với Euro có lúc tăng tới 2%, mức tăng mạnh nhất trong một phiên kể từ tháng 3. So với đồng USD, Yên tăng 1%. Nikkei nói rằng BOJ sẽ cân nhắc nới biên độ dao động của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm từ mức +/-0,5% hiện nay. Tờ báo không nói rõ lấy thông tin này từ nguồn nào.
Cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của BOJ đã khởi động vào ngày thứ Năm (27/7) và sẽ kết thúc trong ngày thứ Sáu.
Những tuần gần đây, thị trường tài chính toàn cầu đã tràn ngập đồn đoán rằng BOJ cuối cùng sẽ xóa bỏ chính sách YCC sau khi đã nới biên độ của lợi suất quanh mốc tham chiếu 0% vào cuối năm ngoái. Tháng 12/2022, BOJ nâng 0,25 điểm phần trăm biên độ cho phép trong chính sách YCC, lên mức +/-0,5%.
Trong bối cảnh như vậy, các nhà giao dịch ra sức đề phòng một đợt tăng giá mạnh của Yên - đồng tiền được cho là sẽ bứt phá mạnh mẽ nếu BOJ từ bỏ YCC. Trong tháng 7, đồng Yên đã hồi phục mạnh nhờ kỳ vọng này, sau khi trở thành một trong những đồng tiền châu Á mất giá mạnh nhất trong nửa đầu năm.
“Những đồn đoán về một sự điều chỉnh chính sách của BOJ trước đây đều sai, và lần này chỉ có tin là BOJ sẽ bàn về điều chỉnh chính sách YCC. Tuy nhiên, lạm phát ở Nhật tăng, tiền lương tăng, và quy mô khổng lồ của chương trình mua trái phiếu mà BOJ đang thực hiện là căn cứ để tin rằng sắp có một sự điều chỉnh nào đó diễn ra”, chiến lược gia trưởng Shaun Osborne của ngân hàng Scotiabank nhận định với hãng tin Bloomberg.
Hồi tháng 12, BOJ đã gây “sóng gió” trên thị trường tài chính toàn cầu khi nới rộng gấp đôi biên độ dao động cho lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Khi đó, tỷ giá đồng Yên và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản đều tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến giá các tài sản từ giá cổ phiếu ở Mỹ cho tới đồng Đôla Australia và giá vàng.
Các nhà đầu tư Nhật Bản là những người nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất và đầu tư vào mọi loại tài sản từ trái phiếu Brazil, trạm điện ở châu Âu, cho tới những khoản vay có mức độ rủi ro cao. Bởi vậy, nhiều nhà tham gia thị trường lo ngại rằng lãi suất ở Nhật Bản tăng lên có thể thúc đẩy giới đầu tư Nhật Bản bán tài sản ở nước ngoài để chuyển vốn về nước.
Việc BOJ có Thống đốc mới là ông Kazuo Ueda hồi đầu năm nay khiến các nhà đầu tư càng kỳ vọng hơn vào sự kết thúc của một thập kỷ lãi suất siêu thấp - nhân tố dẫn tới một làn sóng tiền vốn từ Nhật Bản đổ ra thị trường toàn cầu. Nhưng cho tới hiện tại, ông Ueda vẫn chưa đưa ra một điều chỉnh chính sách nào.
Tuần trước, Bloomberg đưa tin giới chức BOJ có thể sẽ thảo luận về những “tác dụng phụ” của chính sách YCC nhưng nhận thấy không cấp bách phải giải quyết vấn đề này. Nguồn thạo tin cũng tiết lộ với Bloomberg rằng BOJ sẽ cân nhắc về những tổn thất và lợi ích của chính sách YCC tại mỗi cuộc họp.
Trong cuộc khảo sát mới nhất của Bloomberg, 82% số nhà kinh tế học được hỏi dự báo BOJ sẽ không tay đổi chính sách tại cuộc họp tháng 7. Khoảng 18% dự báo BOJ sẽ điều chỉnh hoặc dỡ bỏ hoàn toàn chính sách YCC. Một số nhà kinh tế nhận thấy khả năng BOJ tranh thủ lúc thị trường ít biến động để đi trước một bước.
“Một động thái điều chỉnh hoặc chấm dứt YCC sẽ có ảnh hưởng lan rộng, và cũng sẽ đẩy lợi suất trái phiếu trên toàn cầu tăng lên”, chiến lược gia trưởng Win Thin của Brown Brothers Harriman nhận định.
Sau bản tin nói trên của Nikkei, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục xu thế tăng của phiên ngày thứ Năm.
Bất kỳ sự dịch chuyển chính sách tiền tệ nào của Nhật Bản cũng dẫn tới thay đổi lớn đối với đồng Yên. Chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Nhật Bản đã gây áp lực giảm lên tỷ giá Yên trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn khác tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá Yên đã giảm khoảng 6%.
Dù biên độ YCC chỉ tăng nhẹ, tỷ giá Yên cũng có thể được hỗ trợ. “Nếu họ tăng biên độ thêm 0,25 điểm phần trăm, tỷ giá Yên sẽ tăng lên mức khoảng 135-136 Yên đổi 1 USD”, chiến lược gia trưởng Bipan Rai của CIBC nhận định. “Nếu họ từ bỏ hoàn toàn YCC, tỷ giá Yên sẽ tăng lên ngưỡng 120 Yên đổi 1 USD”.
Phiên sáng thứ Sáu tại thị trường Tokyo, tỷ giá Yên dao động quanh ngưỡng 139,2 Yên đổi 1 USD. Phiên ngày thứ Năm, đồng Yên đã tăng giá 0,5% so với đồng bạc xanh.