Đồng Yên tăng giá quá nóng – một cú sốc lớn nữa đối với kinh tế Nhật Bản

Từ đầu tháng Tư đến nay, tại thị trường tiền tệ Nhật Bản, đồng USD mất giá rất nhanh và mạnh so với đồng Yên Nhật, có thời điểm đạt mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Đây được coi là một 'đòn đánh mạnh' nữa vào nền kinh tế Nhật Bản, song song với những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Hại nhiều, lợi ít

Có thể nói, hầu hết các ngành của Nhật Bản phải chịu thiệt hại nặng nề từ việc đồng Yên tăng giá quá nóng, còn những ngành được hưởng lợi, tuy có nhưng rất ít. Nơi nhạy cảm và dễ tổn thương nhất hiện nay là thị trường chứng khoán. Trong thời gian khoảng 1 tháng trở lại đây, đặc biệt là kể từ thời điểm Mỹ tuyên bố mức thuế đối ứng dành cho các đối tác thương mại quốc tế, thị trường chứng khoán Nhật Bản chịu nhiều chấn động nghiêm trọng. Có thời điểm, Chỉ số chứng khoán trung bình Nikkei rớt xuống mức 30.792 Yên. Đây là 1 trong 3 mức giảm sâu kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, mà toàn bộ các doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn lớn, bị thua lỗ nghiêm trọng, khi cổ phiếu mất giá nhanh chưa từng có, khiến chỉ trong vài ngày, hơn 100 tỷ USD đã bị “một đi không trở lại”. Thị trường tiền tệ cũng không phải là ngoại lệ. Bởi vì, đồng Yên chỉ tăng giá so với đồng USD, còn tỷ giá của các loại ngoại tệ chủ yếu khác như AUD, Euro, Nhân dân tệ... vẫn đang ở mức ổn định so với đồng Yên. Điều này khiến các nhà đầu tư rất cảnh giác, thậm chí quay lưng lại với đồng USD.

Tuy nhiên, ngành chịu tổn thất ghê gớm nhất là xuất khẩu và khu vực sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như công nghiệp, ô tô - xe máy, điện, điện tử, công nghệ cao, nông sản… Đây là điểm đặc biệt đáng lo ngại, bởi vì, xuất khẩu đang là trụ đỡ chính của cả nền kinh tế Nhật Bản. Theo báo cáo do Bộ Tài chính Nhật Bản vừa công bố, trong năm tài chính 2024, tính từ 1/4/2024~31/3/2025, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt hơn 767 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm trước đó. Đây là kết quả do việc giá trị đồng Yên luôn ở mức thấp so với đồng USD, trong đó có thời điểm tỷ giá này ở mức trên 160 Yên/1USD.

Chỉ cần đem so sánh một cách cơ học tỷ giá này với mức giao động 140~143 Yên/1USD hiện nay, cũng có thể hình dung ra Nhật Bản thua thiệt lớn thế nào. Còn được hưởng lợi thì chỉ có các doanh nghiệp nhập khẩu, hoặc đang sử dụng các sản phẩm nhập khẩu, và một vài phân khúc trong lĩnh vực dịch vụ như ẩm thực, du lịch nước ngoài, thời trang… Tuy nhiên, mực hưởng lợi này, chỉ là “phần nổi của cả một tảng băng chìm” thiệt hại.

Tổn thất lan rộng

Sau xuất khẩu, “công nghiệp không khói” của Nhật Bản cũng sẽ là “nạn nhân” tiếp theo. Đây chính là điểm mà giới kinh tế Nhật Bản đang vô cùng lo ngại, mặc dù thiệt hại chưa xảy ra, nhưng nguy cơ là nhãn tiền. Và lo ngại này còn sâu sắc hơn nữa, khi du lịch có mối quan hệ và tác động qua lại với nhiều ngành khác. Do đó, thiệt hại sẽ không chỉ dừng trong khuôn khổ ngành du lịch, mà sẽ lan rộng ra hàng loạt lĩnh vực khác, đặc biệt là những ngành dịch vụ có liên quan đến du lịch như vận tải hành khách, lưu trú, ẩm thực, bán lẻ...

Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì, bên cạnh phong cảnh hữu tình, dịch vụ chu đáo, văn hóa giàu bản sắc…, việc giá trị đồng Yên ở mức thấp là một trong những nguyên nhân chính biến Nhật Bản thành “thỏi nam châm” đối với du khách nước ngoài. Khi giá trị đồng Yên thấp, sẽ giúp khách du lịch từ những nước có thu nhập trung bình, hoặc thu nhập thấp cũng có thể trang trải được cho một chuyến đi khoảng 1 tuần đến “Xứ sở Hoa Anh Đào” với chi phí hợp lý, vừa túi tiền, để tận hưởng một dịch vụ hoàn hảo, “đáng đồng tiền bát gạo”, mà không lo bị chặt chém hay bị ăn bớt.

Mặt khác, đồng Yên rẻ cũng biến Nhật Bản thành “thiên đường mua sắm”. Mặc dù khá đắt đỏ, nhưng hàng hóa tại Nhật Bản đều rất tốt, đảm bảo chất lượng và thương hiệu chuẩn, mà không phải ở bất cứ nước nào cũng có được. Vì vậy, nhiều du khách đến Nhật Bản chỉ với mục tiêu mua sắm, vừa để dùng, vừa để bán lại kiếm lời. Nhưng nếu đồng Yên tăng giá, sẽ làm Nhật Bản đánh mất những lợi thế nêu trên, khi nhiều khách du lịch nước ngoài không còn đủ khả năng chi trả.

Theo thống kê của Tổng cục du lịch Nhật Bản, trong năm 2024, có hơn 37 triệu lượt khách tới thăm quốc gia này. Tiếp theo, liên tục trong 3 tháng đầu năm nay, khách du lịch nước ngoài lại lập thêm những kỷ lục mới. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 60 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2030. Tuy nhiên, khi đồng Yên tăng giá như hiện nay, mục tiêu này có thành hiện thực hay không, đang là câu hỏi lớn.

Trước hoàn cảnh này, Nhật Bản đang phải tính đếm đến một số bước cụ thể như cân nhắc việc tạm dừng đánh thuế du lịch, nới lỏng thêm quy chế thị thực nhập cảnh, trợ giá nhiên liệu để giảm giá thành cho các dịch vụ liên quan… nhằm duy trì lượng khách ở mức như hiện nay.

Nền kinh tế Nhật Bản có nhiều điểm yếu

Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang theo dõi rất kỹ những biến động hiện nay trên thị trường tài chính - tiền tệ - chứng khoán với sự lo ngại sâu sắc. Đây là điều được đại diện cơ quan này nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ mới đây tại Tokyo. Trên thực tế, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã nhiều lần thực hiện các biện pháp để can thiệp tỷ giá như nâng lãi suất ngân hàng, bơm những khoảng tiền khổng lồ vào thị trường…. Tuy nhiên, việc đồng Yên tăng giá lần này lại không phải do những yếu tố nội tại của kinh tế Nhật Bản, mà là do những tác động từ bên ngoài, cụ thể là từ chính sách thuế quan bảo hộ của Mỹ.

Theo các chuyên gia kinh tế, cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản có nhiều điểm yếu, dễ tổn thương do lệ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Mỹ. Xin lấy phát ngôn của Tổng thống Donald Trump làm ví dụ. Hồi giữa tháng 7 năm ngoái, khi vẫn còn đang trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump chỉ mới tỏ ra lo ngại với tình trạng giá trị đồng USD ở mức cao, trong khi các ngoại tệ mạnh khác như Yên Nhật và Nhân dân tệ Trung Quốc… duy trì mức thấp kỷ lục, thì ngay lập tức, tỷ giá giữa đồng Yên Nhật với đồng USD đã bất ngờ tăng từ trên 160 Yên/1USD của chiều hôm trước lên 157,4 Yên vào sáng hôm sau. Đến ngày hôm sau nữa, đồng Yên tiếp tục tăng giá lên 155 Yên/1USD.

Gần đây nhất là vào ngày 23 và 24/4, hai phát ngôn của ông Trump về việc “không dự định sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell”, và “đang xem xét khả năng giảm đáng kể thuế đối với Trung Quốc”, đã khiến giá trị đồng Yên biến động khá mạnh, giảm từ 140 Yên xuống gần 142 Yên và sau đó là hơn 143 Yên/1USD.

Với sự lệ thuộc như vậy, chìa khóa giải quyết sự bấp bênh trong giá trị của đồng nội tệ không nằm trong tay Nhật Bản. Chính vì thế, Nhật Bản đang tận lực để đẩy mạnh đàm phán với Mỹ nhằm giảm thiểu các thiệt hại, không chỉ cho các doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu, mà còn cho cả những điều hành vĩ mô của toàn bộ nền kinh tế.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dong-yen-tang-gia-qua-nong-mot-cu-soc-lon-nua-doi-voi-kinh-te-nhat-ban-post1194694.vov