Đồng yên xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986, chứng khoán châu Á trượt dốc

Đồng yên Nhật đã giảm xuống mức hơn 160 yên đổi 1 USD vào ngày 27/6, ghi nhận mức thấp mới kể từ cuối tháng 4 vừa qua, làm dấy lên dự đoán về việc chính phủ và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) phải can thiệp hỗ trợ đồng tiền này.

Theo tờ Nikkei Asia, sáng 27/6, đồng yên Nhật được giao dịch với tỷ giá 160,86 Yên/USD, mức yếu nhất của đồng tiền Nhật Bản kể từ tháng 12/1986. Mức giá mới này còn thấp hơn mức 160,03 yên/USD ghi nhận vào ngày 29/4 trước đó.

Đồng thời, yên cũng giảm xuống còn 171,79 yên/EUR, cũng là mức yếu nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu thống nhất được áp dụng vào năm 1999.

Lần gần nhất đồng yên vượt qua mức 160, chính quyền Tokyo đã phải can thiệp hỗ trợ đồng tiền quốc gia. Cụ thể, vào tháng 5, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết họ đã chi hơn 9.800 tỷ yên (62,25 tỷ USD) cho hoạt động can thiệp tiền tệ từ ngày 26/4 đến ngày 29/5.

Được biết, đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản thực hiện biện pháp thị trường như vậy kể từ tháng 10/2022.

Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết ông sẽ không bình luận về mức trượt giá mới nhất vào sáng 27/6, nhưng nhắc lại rằng chính phủ lo ngại về tác động của đồng yên trượt giá đối với nền kinh tế và đang theo dõi chặt chẽ thị trường tiền tệ.

Nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, ông Masato Kanda, gọi sự mất giá nhanh chóng của đồng yên là một "mối quan ngại nghiêm trọng" và cam kết sẽ thực hiện hành động cần thiết chống lại sự biến động quá mức không phản ánh được nền tảng kinh tế.

Bà Carol Kong, nhà kinh tế và chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Thịnh vượng chung Úc, cho rằng “chúng ta có thể đang tiến gần hơn đến một biện pháp can thiệp ngoại hối khác”.

Bà cũng cho biết dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ trong tháng 5 - dự kiến công bố vào ngày 28/6 - có thể là chất xúc tác để Nhật Bản can thiệp nếu dữ liệu này mạnh hơn dự kiến và đẩy cặp USD/JPY tăng mạnh.

Yên là đồng tiền G10 có hiệu suất kém nhất trong năm nay, giảm 12% so với USD. Sự sụt giảm này gây thêm áp lực buộc Ngân hàng Nhật Bản phải tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 và nới lỏng sự kiểm soát của mình đối với thị trường trái phiếu với suy đoán về một động thái nâng lợi suất trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 10 năm lên 1,06%.

Chứng khoán châu Á trượt dốc

Tin tức đồng Yên trượt giá đã khiến thị trường chứng khoán khu vực châu Á mở cửa trong tình trạng ảm đạm vào sáng 27/6.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,07% trong khi chỉ số Topix mất 0,45% trong phiên giao dịch đầu ngày. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,55% trong khi Kosdaq vốn hóa nhỏ tăng 0,16% trong phiên giao dịch đầu ngày.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc mở cửa giảm 1,14%.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm hơn 1%, trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm 0,65%.

Chỉ số MSCI rộng nhất của cổ phiếu Châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản giảm 0,5%, với một số mức lỗ lớn nhất ở Úc (.AXJO), nơi mà các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất đã giảm sau dữ liệu cho thấy lạm phát tăng đột biến tại nước này.

Thủy Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dong-yen-xuong-muc-thap-nhat-ke-tu-nam-1986-chung-khoan-chau-a-truot-doc-d112632.html