Đột phá cải cách thể chế để nền kinh tế 'cất cánh'
Thể chế vừa là nguồn lực vừa là động lực của tăng trưởng, do đó đẩy mạnh cải cách thể chế sẽ tạo ra 'đường ray' thông thoáng để nền kinh tế Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, 'cất cánh' bước vào kỷ nguyên mới.
Thể chế đang là “điểm nghẽn” lớn
Tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng đất nước hiện nay có 3 điểm nghẽn lớn, đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Năm 2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua 31 luật, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) đã được ban hành trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ. Thành tựu này thể hiện cam kết cải cách mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ trong việc tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân, DN, kiến tạo không gian phát triển mới.
Bình luận về các điểm nghẽn của thể chế hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chia sẻ, điểm nghẽn đầu tiên đó là trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại nhiều quy định chồng chéo, thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều này gây khó khăn, làm tăng chi phí, rủi ro tuân thủ cho doanh nghiệp (DN) trong việc thực thi các quy định pháp luật; đồng thời làm giảm tính minh bạch, an toàn, lành mạnh của môi trường kinh doanh của Việt Nam. Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh vẫn còn khá nhiều, nhiều thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, khiến DN vẫn còn gặp nhiều “gian nan” khi thực hiện thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực.
Chỉ ra điểm nghẽn của thể chế đang cản trở sự phát triển của DN, nền kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, hiện nay, chất lượng thực thi công vụ, việc giải quyết thủ tục cho DN rất chậm, khiến họ mất niềm tin hoặc làm lỡ mất cơ hội đầu tư kinh doanh. “Tôi đã từng nghe DN chia sẻ để làm một dự án ở khu công nghiệp trước đây mất khoảng 23 - 24 tuần cho tất cả các bước thủ tục, còn bây giờ phải mất thời gian gấp 3 - 4 lần. Có những nhà đầu tư vì nản trong thực hiện thủ tục mà bỏ dự án” - ông Cung nói. Theo ông Nguyễn Đình Cung, một điều đáng lưu tâm nữa hiện nay là cơ hội gia nhập thị trường của DN vào các ngành, lĩnh vực đã mở, nhưng trong một số ngành, lĩnh vực, DN mới nhận được quyền kinh doanh cái gì, còn kinh doanh như thế nào thì vẫn có những sự hạn chế nhất định. Đơn cử, trong giấy chứng nhận đầu tư, Nhà nước vẫn ghi chấp thuận đầu tư bao nhiêu, công suất bao nhiêu…
“Khi Luật DN ra đời, triết lý người dân, DN được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm đã khơi dậy trong lòng người dân, DN không ít kỳ vọng và hứng khởi. Nhưng tiếc rằng qua quá trình thực thi, tinh thần tự do kinh doanh - điều kiện cần và đủ để làm nên sự thành công của Luật DN suốt 20 năm qua, vẫn chưa tràn ra khỏi phạm vi của Luật này” - ông Cung nhấn mạnh.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá hệ thống quy định, thủ tục của Việt Nam vẫn còn khá lớn. Khi phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng đã chia sẻ Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày; hay Dubai xây dựng một thành phố có quy mô 600ha, 500 tòa nhà, nguồn vốn 20 tỷ USD chỉ trong đúng 5 năm. “Còn ở ta, với một “rừng” quy định, thủ tục thì xây dựng một Dubai phải mất 1.500 năm. Xây dựng một khách sạn 5 sao ở Việt Nam hiện cũng phải mất đến 3 năm thủ tục” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cải cách thể chế là “đột phá của đột phá” đưa nền kinh tế phát triển tăng tốc
Chỉ ra những hệ quả từ điểm nghẽn về thể chế, TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, trước hết là kìm hãm phát triển kinh tế. Theo ông Lâm, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Đây là nguồn gốc của sự lãng phí thời gian, tiền bạc, bỏ lỡ cơ hội đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Riêng trong lĩnh vực đầu tư, bất cập về thể chế đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế từ 2-3% mỗi năm. Chẳng hạn với năm 2023, nếu không vướng về thể chế, giải ngân hết tổng kế hoạch vốn đầu tư công 803.370 tỷ đồng, khi đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ cao hơn khoảng 2,5-3 điểm phần trăm so với số thực tế đạt được 5,05%.
Hệ quả nữa theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đó là điểm nghẽn thể chế khiến các DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực, cũng như triển khai hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ làm giảm “sức khỏe”, khả năng cạnh tranh của DN; đồng thời khi DN - “xương sống” của nền kinh tế gặp khó sẽ hạn chế khả năng đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế, cũng như đóng góp vào việc giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội…
Từ những hệ quả trên, theo các chuyên gia, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế đang là “đột phá của đột phá” để đưa nền kinh tế phát triển tăng tốc, bứt phá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Theo đó, đưa khuyến nghị giải pháp, các chuyên gia cho rằng, trước hết các cơ quan chức năng cần rà soát toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong kiến tạo nền tảng về chế độ kinh tế; kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đồng bộ, hiệu quả; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; bãi bỏ mọi rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, DN. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính…
Liên quan đến vấn đề cải cách thể chế, phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cương quyết xóa bỏ cơ chế “xin cho”, không tạo ra hệ sinh thái “xin - cho”, loại bỏ những quy định cản trở sự phát triển, làm chậm lại tiến trình đổi mới, cương quyết cắt bỏ các thủ tục rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và DN”. Với quyết tâm từ người đứng đầu Chính phủ, kỳ vọng những “cao tốc” trong cải cách thể chế sẽ được hình thành để mở đường cho sự phát triển tăng tốc, bứt phá của nền kinh tế Việt Nam./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dot-pha-cai-cach-the-che-de-nen-kinh-te-cat-canh-37903.html